Xếp hạng giáo dục đại học - So sánh đối chiếu một vài bảng tiêu biểu trên thế giới

ThS. GVC. Nguyễn Thị Thu Hương,ThS. Nguyễn Phương Ngân

Phòng Nghiên cứu phát triển

Trường Đại học Giao thông vận tải

 

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Gõ một từ ‘ranking’ trên Google ta sẽ thấy 417 triệu kết quả trong 0,31 giây, còn khi gõ ‘xếp hạng đại học’ thì Google sẽ cho ra 932000 kết quả trong 0,48 giây. Những con số này cho thấy một sự thật hiển nhiên rằng công tác xếp hạng được thực hiện trong rất nhiều ngành nghề khác nhau của một xã hội, từ thể thao, du lịch đến giáo dục, quốc phòng, thậm chí xếp hạng cả hệ thống chính trị [1]. Còn các trang mạng liên quan đến ‘xếp hạng đại học’ thì cung cấp rất nhiều thông tin chi tiết về các bảng xếp hạng giáo dục phổ biến trên thế giới, về vị trí của giáo dục Việt Nam nói chung và một số trường đại học hàng đầu của Việt Nam nói riêng được đánh giá qua các năm. Có thể nói rằng, trong một thế giới phẳng mà tiến trình hội nhập quốc tế đang diễn ra nhanh, mạnh, sâu rộng trong mọi lĩnh vực của đời sống hiện nay thì công tác đánh giá xếp hạng hay kiểm định xếp hạng để “biết người, biết ta” là việc đương nhiên phải làm của các doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục, các tổ chức, các đơn vị, v.v.

Trong lĩnh vực giáo dục, xếp hạng giáo dục đại học (XHGDĐH) đang là chủ đề được rất nhiều trường ở Việt Nam quan tâm. Tại Hội thảo khoa học “Đánh giá – Xếp hạng các trường đại học, cao đẳng Việt Nam” do Ban liên lạc các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (VUN) tổ chức năm 2010, đã có 27 tham luận đóng góp ý kiến hay trao đổi kinh nghiệm liên quan đến chủ đề này [2]. Đặc biệt, từ khi một số trường đại học được tổ chức QS (Anh quốc) gắn hạng 3 sao như đại học FPT (năm 2013), đại học Tôn Đức Thắng (năm 2015) và đại học Nguyễn Tất Thành (năm 2016) thì chủ đề xếp hạng, gắn sao trên các bảng xếp hạng thế giới càng trở nên nóng hơn bao giờ hết bởi vì những lợi ích mà các trường được gắn sao kể trên thu được là vô cùng to lớn. Theo lời TS. Phan Phương Đạt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học FPT tại tọa đàm “Đánh giá và xếp hạng đại học theo chuẩn QS: Kinh nghiệm của Trường Đại học FPT” tổ chức tháng 4, 2015 thì “Tham gia hệ thống đánh giá của QS, Đại học FPT có thêm một ‘ngôn ngữ chung’ để nói chuyện với các trường đại học trong khu vực cũng như trên toàn thế giới” [3]. Còn với đại học Nguyễn Tất Thành, việc được công nhận đạt chuẩn quốc tế 3 sao là “một điều kiện quan trọng để khẳng định vị thế và danh tiếng, nâng cao giá trị bằng cấp của sinh viên” [4]. Tại hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng và uy tín quốc tế của các trường ĐH Việt Nam”  do Bộ GD-ĐT phối hợp ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 11/4/2018 vừa qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định “Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ đưa xếp hạng đại học thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên trong chỉ đạo để giúp các trường phát triển đúng hướng, tiếp sức các trường nâng cao chất lượng” [5].

Rõ ràng, việc được đưa vào các bảng xếp hạng đại học danh tiếng trên thế giới và khẳng định vị trí nhất định trong các bảng đó là khát khao và mục tiêu phấn đấu của nhiều trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam. Song từ mục tiêu đến kết quả là cả một chặng đường dài. Bài báo này sẽ giới thiệu chi tiết về một số bảng XHGDĐH phổ biến nhất, nhằm giúp các trường so sánh, đối chiếu và tìm ra cách tiếp cận hợp lý cho chiến lược quảng bá thương hiệu của mình.

II. KHÁI QUÁT VỀ MỘT SỐ BẢNG XẾP HẠNG ĐẠI HỌC TIÊU BIỂU

Trong danh mục khá dài các bảng XHGDĐH trên thế giới, vị trí luôn được nhắc đến đầu tiên là bảng QS World Universities Rankings (Bảng tổng sắp). Là ấn phẩm hàng năm của Quacquarelli Symonds Ltd., một tổ chức giáo dục của Anh quốc, bảng QS Rankings này được coi là bảng XHGDĐH uy tín nhất, danh giá nhất. Tổ chức QS đưa ra kết quả XHGDĐH trong 8 loại bảng khác nhau, xếp hạng theo ngành đào tạo, theo châu lục, theo tuổi đời của các trường, v.v. Trong đó, bảng QS Stars được quan tâm hơn cả vì dựa vào kết quả xếp hạng, gắn sao của bảng này cho từng giai đoạn, các trường có thể đánh giá được các mặt mạnh, yếu, thực trạng của trường, trên cơ sở đó, trường sẽ đề ra chiến lược phát triển cho thời gian tiếp theo.

Cũng xuất xứ từ Anh quốc, tờ phụ san THES (Times Higher Education Supplement) chuyên về các vấn đề liên quan đến giáo dục bậc đại học (HE) lần đầu công bố bảng XHGDĐH vào tháng 11, 2004 có sự kết hợp với Quacquarelli Symonds Ltd. Tuy nhiên, đến tháng 9, 2010 thì QS đưa ra các bảng XHGDĐH độc lập, còn tờ THES vẫn tiếp tục đưa ra bảng THE World University Rankings thường niên của riêng mình. THES xếp hạng 1000 trường đại học hàng đầu thế giới (trong tổng số hơn 20,000 trường đại học), và chỉ tập trung vào các trường đại học nghiên cứu. Cách xếp hạng dựa trên 13 thông số đặc thù nghiên cứu nên rất ít các trường đại học thuộc các nước đang phát triển chen chân được vào bảng xếp hạng này. Bảng THES năm 2018 cho thấy chỉ có 77 quốc gia có đại diện, trong đó Anh, Mỹ, Hà Lan và Đức là các cường quốc về số đại học nghiên cứu mạnh, châu Âu cũng chiếm một nửa trong tổng số 200 đại học top đầu, còn ở châu Á, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là các nước dẫn đầu về số trường đại học trên tổng số hơn 200 trường thuộc các quốc gia châu Á được xếp hạng trong bảng này [6].

Tại châu Á, hệ thống xếp hạng đại học quốc tế do Đại học Giao thông Thượng Hải, Trung Quốc (gọi tắt là ARWU) ra đời năm 2003. “Theo lời những người sáng lập, hệ thống này nhằm phục vụ cho mục đích xác định khoảng cách của những trường đại học Trung Quốc với những trường đẳng cấp quốc tế hàng đầu trên thế giới” [7]. Do vậy, ARWU đặc biệt chú trọng đến các chỉ tiêu về kết quả nghiên cứu, trong đó có Chất lượng cựu sinh viên, được tính bằng số lượng các cựu sinh viên đoạt các giải và huy chương đặc biệt như giải Nobel, Fields, Gauss, hoặc Kết quả nghiên cứu, được tính bằng số bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học danh tiếng thế giới như ISI, SCI, SCIE, v.v. Bảng xếp hạng ARWU được thực hiện nghiêm túc, công phu và có ảnh hưởng lớn trên thế giới.

Tại châu Âu, bảng XHGDĐH Webometrics do Cybermetrics Lab, Tây Ban Nha lần đầu đưa ra năm 2004. Đây là bảng xếp hạng dựa trên trang Web và việc thể hiện trên Internet của hơn 18000 các trường đại học trên thế giới. “Mục tiêu của việc xếp hạng là nhằm cải tiến và nâng cao sự thể hiện các thành tích về giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học (NCKH) của trường trên trang Web và thúc đẩy việc truy cập mở (open access) các ấn bản khoa học” [8]. Bảng này được xây dựng dựa trên kết quả định lượng của 4 chỉ số với các trọng số khác nhau và một năm hai lần cập nhật vị trí xếp hạng của các trường.

Ngoài các bảng XHGDĐH kể trên mang tính quốc tế với sự xuất hiện của hàng ngàn trường đại học trên thế giới và có tầm ảnh hưởng lớn, được công nhận rộng rãi, thì tại nhiều quốc gia cũng đưa ra bảng XHGDĐH cho riêng các cơ sở đào tạo đại học của mình. Có thể kể đến Bảng xếp hạng của tạp chí Maclean’s, Canada, bảng xếp hạng tại Hàn Quốc do tổ chức JoongAng Daily thực hiện, bảng USNWR của Mỹ, bảng Global University Ranking của Nga, bảng Mines ParisTech của Pháp, hay các bảng xếp hạng đại học do các công ty tư vấn du học lập ra. Tại Việt Nam, tháng 9, 2017 nhóm nghiên cứu độc lập của Tiến sĩ Giáp và các cộng sự đã giới thiệu Bảng XHGDĐH dành cho Việt Nam sau hơn hai năm nghiên cứu và dầy công thu thập số liệu. Tuy nhiên, bảng xếp hạng này sau khi công bố đã không nhận được nhiều phản hồi tích cực, phần lớn là do những hạn chế của nguồn dữ liệu.

III. SO SÁNH ĐỐI CHIẾU MỘT SỐ BẢNG XHGDĐH

Xét thực trạng của giáo dục Việt Nam và bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội của nước nhà trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi nhận thấy các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam có thể nhắm tới mục tiêu góp mặt trong một vài bảng XHGDĐH uy tín trên thế giới; đó là bảng QS Rankings, bảng QS Stars và bảng Webometrics. Dưới đây là phần so sánh đối chiếu các bảng này trên một vài phương diện, được tổng hợp từ các nguồn chính thức của Webometrics [9] và QS Rankings [10].

Bảng

Đối tượng

Tiêu chí đo lường

Quy trình xếp hạng

Cơ hội cho VN

Webometrics

Hơn 18.000 trường đại học trên thế giới, có riêng website và xuất hiện nhiều trên các kết nối của Internet

04 tiêu chí với các trọng số tăng dần cho nghiên cứu, nhằm đánh giá:

- Chất lượng giáo dục

- Chất lượng nghiên cứu

- Ảnh hưởng xã hội

Thu thập số lượng các trang đăng trên Google, Yahoo, and Bing Search; số các inlinks qua Yahoo Site Explorer; số các công trình NC đăng trên Google Scholar; số lượng đăng toàn cầu lấy từ Scimago SIR.

Cập nhật và công bố danh sách xếp hạng vào tháng 1 và tháng 7 hàng năm.

 

- Trong Top 1000-2500 châu Á có ĐH Bách khoa HN, ĐH Quốc gia HN, Sư phạm HN; Top 4000-5000 có Học viện Bưu chính viễn thông, ĐH Huế, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Giao thông vận tải, ĐH Vinh

- Bảng xếp hạng này có riêng một bảng xếp hạng cho các cơ sở giáo dục bậc đại học ở Việt Nam.

 

QS Rankings

Bảng xếp hạng Tổng sắp năm 2018 có 959 trường trên thế giới.

Bảng xếp hạng theo ngành Cơ khí, Vũ trụ, Chế tạo máy có 401 trường.

06 tiêu chí cơ bản, với trọng số dành cho uy tín học thuật là 40% và việc giảng viên có bài báo được trích dẫn trên Scopus là 20%.

Có 8 loại bảng QS khác nhau.

Thu thập số lượng các trang đăng trên Google, Yahoo, and Bing Search; số các inlinks qua Yahoo Site Explorer; số các công trình NC đăng trên Google Scholar; số lượng đăng toàn cầu lấy từ Scimago SIR.

Cập nhật và công bố danh sách xếp hạng vào khoảng tháng 6 hàng năm.

Trong bảng xếp hạng châu Á năm 2018 có 05 đại diện của Việt Nam có mặt trong số 400 trường được xếp hạng: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Bách Khoa, ĐH Huế, ĐH Cần Thơ

QS Stars

Bất cứ trường nào có nhu cầu xếp hạng – gắn sao đều có thể đăng ký kiểm định – xếp hạng với QS.

Bắt đầu triển khai từ 2010, đến nay đã có 275 trường ở 45 quốc gia được kiểm định – gắn sao.

Phí kiểm định hiện tại là 44.000 đô la Mỹ, chưa kể chi phí tiếp đoàn khảo sát của QS và các chi phí khác.

 

 

52 chỉ số cụ thể thuộc 11 tiêu chí, chia thành 4 nhóm cơ bản. Mỗi chỉ số được đánh giá với số điểm nhất định. Tổng cao nhất là 1000 điểm, chia thành 5 mức sao. Gần đây đã có thêm mức 5 sao +.

Các nhóm tiêu chí cơ bản nhằm kiểm định chi tiết mọi mặt trong hoạt động của một cơ sở GD ĐH.

Thời hạn gắn sao có giá trị trong 3 năm. Sau đó, các trường có thể tái kiểm định để nâng hạng hay trụ hạng.

Trường đại học đăng ký kiểm định – gắn sao phải nộp dữ liệu dưới dạng báo cáo theo mẫu có sẳn do QS gửi, có kèm minh chứng cụ thể cho từng tiêu chí.

Đồng thời QS độc lập tiến hành khảo sát bằng phiếu câu hỏi online hay lấy ý kiến nhà tuyển dụng, hoặc trực tiếp phỏng vấn nhiều loại đối tượng liên quan đến trường.

Thời gian từ lúc trường gửi hồ sơ tham gia đến khi QS công bố kết quả kiểm định – gắn sao là khoảng 6 tháng, tùy theo chất lượng hồ sơ và thời gian khảo sát.

 

VN đã có 3 trường đại học được gắn 3 sao là FPT (2013), Tôn Đức Thắng (2015) và Nguyễn Tất Thành (2016).

 

 

IV. KẾT LUẬN

Các bảng XHGDĐH khi được lập nên đều nhắm tới mục đích trước hết là giúp các đối tượng du học sinh lựa chọn trường và nghành học, đồng thời giúp cộng đồng các giảng viên và nhà nghiên cứu lựa chọn nơi làm việc hợp lý nhất. Ngoài ra, do đối tượng kiểm định, xếp hạng khác nhau nên mỗi bảng được xây dựng với những tiêu chí và trọng số/ điểm không hẳn giống nhau. Qua tìm hiểu thực trạng công tác xếp hạng của các trường đại học ở Việt Nam và xu thế chung của thời kỳ hội nhập hóa, chúng tôi thấy rằng giáo dục đại học Việt Nam hoàn toàn có thể chen chân vào các bảng XHGDĐH danh tiếng nếu công tác này giành được nhiều tâm huyết cũng như các nguồn tài lực khả dĩ từ các cấp quản lý. Tất nhiên, lựa chọn bảng XHGDĐH nào để theo đuổi là bước quan trọng đầu tiên, và đó chính là mục đích của bài viết này.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Google. Ranking. Truy cập ngày 14/5/2018 https://www.google.com.vn/search?q=ranking&rlz=1C1CHBF_enVN744VN744&ei=L...

[2] Ban liên lạc các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. (2010). Đánh giá – Xếp hạng các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Kỷ yếu hội thảo.

[3] Vân Anh (2015). QS_ Một cách để tham gia ‘sân chơi’ toàn cầu. Truy cập 14/5/2018 http://fpt.edu.vn/qs-mot-cach-de-tham-gia-san-choi-toan-cau/

[4] Hoàng Nga (2017). Đại học Nguyễn Tất Thành_ biểu tượng giá trị tri thức và hạnh phúc cho người học. Truy cập ngày 15/5/2018 http://ntt.edu.vn/web/tin-tuc/dh-nguyen-tat-thanh-bieu-tuong-gia-tri-tri-thuc-va-hanh-phuc-cho-nguoi-hoc

[5] Ngọc Hà (2018). Xếp hạng đại học là nhiệm vụ trọng tâm.

https://tuoitre.vn/xep-hang-dai-hoc-la-nhiem-vu-trong-tam-20180412101709116.htm

[6] THES (2018). World University Rankings: Asia and the network effect. Truy cập ngày 19/5/2018 https://www.timeshighereducation.com/opinion/world-university-rankings-2018-asia-and-network-effect

[7] Phạm Thị Ly (2010). Đánh giá xếp hạng các trường đại học: Kinh nghiệm thực tiến từ phương Tây, Trung quốc và những xu hướng mới trên thế giới. Kỷ yếu hội thảo“Đánh giá – Xếp hạng các trường đại học, cao đẳng Việt Nam”. VUN.

[8] Lê Đình. (2010). Các tiêu chí đánh giá – xếp hạng trường đại học trên thế giới và đề nghị cho Việt nam.  Kỷ yếu hội thảo “Đánh giá – Xếp hạng các trường đại học, cao đẳng Việt Nam” VUN.

[9] Ranking Web of Universities. Methodology. Truy cập 21/5/2018 http://www.webometrics.info/en/Methodology

[10] QS Topuniversities. Who rules?Truy cập 21/5/2018 https://www.topuniversities.com/qs-world-university-rankings