Thách thức của các cơ sở giáo dục đại học và sự chủ động của Trường Đại học Giao thông vận tải trong việc đào tạo nhân lực trình độ quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh

Tham luận của Trường Đại học Giao thông vận tải tại Hội thảo “Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở TPHCM giai đoạn

2020 - 2030” tổ chức ngày 15/8/2019 tại TP.HCM

1. Giới thiệu và đặt vấn đề

Phân hiệu trường Đại học Giao thông vận tải tại TP. Hồ Chí Minh được thành lập vào tháng 07/2016 theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, tiền thân là Cơ sở II của Trường Đại học Giao thông Vận tải tại Tp. Hồ Chí Minh được thành lập vào ngày 27/04/1990, để đáp ứng nhu cầu mới cho sự nghiệp xây dựng đất nước nói chung và phát triển giao thông vận tải khu vực phía Nam nói riêng. Phân hiệu tọa lạc trên khuôn viên có diện tích gần 16 ha với các khu Văn phòng 3 tầng, khu giảng đường với gần 60 phòng học, Trung tâm Thông tin-Thư viện 3 tầng với diện tích xây dựng gần 2000 m2.

Đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 trở thành động lực phát triển to lớn đối với các cơ sở giáo dục đại học, đóng vai trò quyết định đến sự phát triển của thành phố HCM nói riêng và của cả đất nước nói chung. Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cùng Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, phân hiệu trường ĐH Giao thông vận tải xin gửi tham luận “Thách thức của các cơ sở giáo dục đại học và sự chủ động của Trường Đại học Giao thông vận tải trong việc đào tạo nhân lực trình độ quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh".

2. Khái quát về cuộc CMCN 4.0 và nhu cầu về nguồn nhân lực trình độ quốc tế của thị trường

Thế giới đang bắt đầu bước vào cuộc CMCN lần thứ tư, một cuộc cách mạng sản xuất mới gắn liền với những đột phá chưa từng có về công nghệ, liên quan đến trí tuệ ảo, kỷ nguyên số và sự phát triển bùng nổ của công nghệ liên ngành, đa ngành, xuyên ngành. Cuộc cách mạng sản xuất mới này được dự đoán sẽ tác động mạnh mẽ đến mọi quốc gia, chính phủ, doanh nghiệp và người dân khắp toàn cầu, cũng như làm thay đổi căn bản cách chúng ta sống, làm việc và sản xuất. Kỷ nguyên mới của đầu tư, năng suất và mức sống gia tăng tất cả là nhờ vào sự sáng tạo của con người và sẽ tác động sâu sắc đối với các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của thế giới. Dù mới chỉ bắt đầu nhưng cuộc CMCN 4.0 đã đặt tất cả các quốc gia, các lĩnh vực nói chung và Việt Nam nói riêng trước rất nhiều cơ hội và thách thức lớn. Trong viễn cảnh của cuộc CMCN 4.0, máy tính hóa các quá trình sản xuất và xã hội dẫn đến thay đổi lớn trong cấu trúc lực lượng lao động. Những lao động mang tính giản đơn hay đòi hỏi các hoạt động tư duy bậc cao sẽ được hỗ trợ rất nhiều của các hệ thống điều khiển-vật lí (cyber- physical systems). Điều này dẫn đến yêu cầu điều chỉnh cơ cấu đào tạo nhân lực, đồng thời làm gia tăng nguy cơ mất việc làm, thất nghiệp, nhiều ngành đối mặt thách thức lớn do cạnh tranh khốc liệt.

Thực trạng thị trường lao động đang tồn tại nghịch lý khi thừa lao động nhưng lại thiếu nhân lực có trình độ cao cho những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển, doanh nghiệp muốn tuyển mà không có. Nguyên nhân xuất phát từ thực trạng mất cân đối cung - cầu nguồn lao động, chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo còn yếu. Phần lớn học sinh – sinh viên tốt nghiệp đều không đáp ứng được ngay yêu cầu công việc, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ, các kỹ năng tiếp cận thiết bị mới, công nghệ hiện đại, các kỹ năng mềm, khả năng làm việc theo nhóm, khả năng tự học, tự nghiên cứu và tác phong nghề nghiệp.  

3. Thách thức đặt ra với các trường đại học công lập trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường

Đóng vai trò là là ngành dịch vụ trực tiếp tạo ra những nhân lực ưu tú, có trình độ, khả năng để tạo ra những giá trị mới cho xã hội, giáo dục đại học đang đứng trước nhiều thách thức:

Thách thức về việc không thể đáp ứng được yêu cầu đào tạo nhân lực của doanh nghiệp và thị trường trong bối cảnh CMCN 4.0 do chất lượng đào tạo còn hạn chế và thiếu tính thực tế, chủ yếu vẫn tập trung đào tạo đơn ngành; chưa tích hợp được các vấn đề toàn cầu để trang bị cho người học những kiến thức tổng hợp cùng các kĩ năng xã hội cần thiết.

Chất lượng giáo dục của các quốc gia có thể được đánh giá và so sánh trên phạm vi toàn cầu theo Chỉ số vốn con người (Human Capital Index). Theo The Human Capital Report 2016 của WEF, Việt Nam xếp thứ 68/130 về Chỉ số này. Nếu đặt mối quan hệ giữa Chỉ số vốn con người và Tổng thu nhập quốc gia (Gross National Income) thì Việt Nam có vị trí trung bình trên toàn thể giới về vốn con người, ngang vói một số nước như Trung Quốc, AUE, Qatar… Riêng so với các nước trong khu vực ASEAN. Chỉ số này của Việt Nam hơi thấp hơn so với vị trí trung bình của khu vực, chỉ nhỉnh hơn các nước như Cambodia và Myanmar. Sự hạn chế và yếu kém về giáo dục được thể hiện trên các mặt: chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu của sự phát triển kinh tế xã hội nói chung cũng như CMCN 4.0 nói riêng, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Hệ thống giáo dục và đào tạo thiếu liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; còn nặng lí thuyết, nhẹ thực hành; đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động; chưa tích hợp được các vấn đề toàn cầu để trang bị cho người học những kiến thức tổng hợp cùng các kĩ năng xã hội cần thiết; phương pháp giáo dục, thi cử, kiểm tra và đánh giá kết quả còn lạc hậu, thiếu thực chất; cơ sở vật chất kĩ thuật còn thiếu và lạc hậu. Những yếu kém này đã được nhiều lần đề cập đến nhưng dưới tác động của CMCN 4.0, chúng càng thể hiện rõ sự tụt hậu của giáo dục Việt Nam so với thế giới.

Thực tế cho thấy sự phát triển của nền sản xuất thông minh dựa trên nền tảng Internet của CMCN 4.0 đang làm cho những kiến thức mà Đại học truyền thống đang dạy có thể vô ích trong tương lai. Do đó sinh viên tốt nghiệp đại học truyền thống không thích ứng với sự phát triển công nghệ 4.0, không đáp ứng được với yêu cầu của doanh nghiệp khiến nhiều DN phải tự tổ chức đào tạo lại, thậm chí đào tạo mới. 

CMCN 4.0 đang làm giãn rộng khoảng cách giữa việc đào tạo của các trường Đại học và những gì xã hội thực sự cần. Việt Nam tồn tại nghịch lý: "hàng vạn cử nhân thất nghiệp nhưng các doanh nghiệp lại không đủ người làm việc cho họ". Trong khi đó, tiến bộ công nghệ 4.0 đã làm thay đổi bức tranh của thị trường lao động: lao động giản đơn đã có robot đảm nhiệm, thị trường chủ yếu chỉ cần những việc đòi hỏi lao động sáng tạo ở trình độ cao. Điều này đặt ra thách thức lớn cho các trường Đại học truyền thống khi chưa thể dự đoán được các kỹ năng mà thị trường lao động sẽ cần trong tương lai gần do tốc độ thay đổi công nghệ từ CMCN lần thứ 4 diễn ra quá nhanh. Tấm bằng Đại học truyền thống, do đó, không đủ để giúp sinh viên ra trường tồn tại trong cuộc CMCN 4.0. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông không tham dự kỳ thi vào các trường Đại học công lập truyền thống, “tạo điều kiện” cho các mô hình Đại học khác hút cạn nguồn tuyển sinh.

Trong thế giới ngày nay, công nghệ thay đổi rất nhanh với tốc độ cấp số nhân. Bởi vậy, các kỹ năng đặc thù ngành hay công nghệ cụ thể bị khấu hao rất nhanh. Điều này có hai hàm ý: (i) cần chú trọng đào tạo các kỹ năng nhận thức cấp cao như giải quyết vấn đề, suy luận logic, làm việc theo nhóm, kỹ năng thích nghi nhanh; (ii) cần tạo động lực và khả năng học tập suốt đời và học tập liên tục cho mọi người.Trong bối cảnh đó, học qua Internet, với sự gia tăng của các nguồn tư liệu mở và các khóa học trực tuyến đại chúng quan trọng hơn nhiều so với học từ các giáo viên đại học. Tuy nhiên, đây là là yếu điểm của hệ thống giáo dục đào tạo hiện nay, với một trong những minh chứng rõ nét nhất là trình độ tiếng Anh của sinh viên rất hạn chế như được phản ánh bởi điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh trong những năm gần đây - cả điểm trung bình cũng như toàn bộ phổ điểm làm lộ rõ nhiều bất cập. Điều này không những làm lộ rõ những bất cập lớn của hệ thống giáo dục ở Việt Nam sau 30 năm mở cửa và hội nhập, mà còn cho thấy thêm về sự thiếu sẵn sàng của hệ thống này đối với cuộc CMCN lần thứ tư, xét về cả hai góc độ - năng lực “đứng trên vai người khổng lồ” nhờ vào các công nghệ dựa trên Internet và tiếng Anh cũng như khả năng đáp ứng yêu cầu về học suốt đời và học liên tục.

Thách thức về việc thiếu hụt các chương trình đào tạo trong các lĩnh vực mới như công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ vật liệu mới, công nghệ chế tạo máy, tự động hóa, công nghệ sinh học và môi trường, logistics và quản lý chuỗi cung ứng

Nếu xét về năng lực công nghệ thông tin – một điều kiện tối quan trọng của Công nghiệp 4.0, thì chỉ số phát triển công nghệ thông tin (ICT Development Index được viết tắt là IDI) 2016 của Việt Nam có thứ hạng là 105/175 giảm hơn so với năm 2008 là 86/175, có thể coi là dưới mức trung bình của thế giới. Trong khi đó, trong một thế giới hiện đại do công nghệ dẫn dắt, chính phủ của nhiều nước trên thế giới, kể cả những nước có nền công nghệ tiên tiến nhất như Mỹ và Nhật, đã có chính sách ưu tiên rõ rệt cho các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (Science, Technology, Engineering and Mathematics, viết tắt là STEM). Kết quả là những sinh viên mới, đặc biệt là sinh viên nước ngoài chuyển hướng mạnh sang học các ngành STEM để tìm kiếm cơ hội ở lại làm việc ở Mỹ. Ở Việt Nam hiện nay chưa có những chương trình định hướng nghề nghiệp rõ nét, dẫn đến tình trạng những sinh viên giỏi nhất thường lựa chọn các ngành kinh tế, ngoại thương, tài chính, ngân hàng… làm điểm chuẩn vào các trường đào tạo các chuyên ngành này cao hơn hẳn so với vào các trường công nghệ và kỹ thuật. Bản thân số trường đào tạo các ngành công nghệ và kỹ thuật cũng không nhiều. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt nhân lực trong một số ngành công nghệ tăng trưởng nhanh trong thời đại số hóa và tự động hóa, đặc biệt là ngành công nghệ thông tin. Báo cáo về ngành công nghệ thông tin (CNTT) năm 2017 của hãng truyền thông VietnamWorks cho thấy, trong 3 năm gần đây, số lượng công việc của ngành này đã tăng trung bình 47%/năm (năm 2013: 6.792 việc làm, năm 2016: 14.997 việc làm), nhưng số lượng nhân sự chỉ tăng ở mức 8%. Những sự lựa chọn “lạc hướng” của các thanh niên khi bước vào đại học là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học không có việc làm có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây.

Thách thức về cơ sở vật chất chưa được đảm bảo; việc trang bị, ứng dụng công nghệ vào giảng dạy và học tập chưa được phổ biến.

Cũng tại hội nghị “Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học” ngày 16/1/2018, nhận định về vấn đề cơ sở vật chất của các cơ sở đại học hiện nay, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng: “Cơ sở vật chất ở tất cả các trường đại học thuộc các loại hình đều chưa bảo đảm. Bởi trường đại học không chỉ là nơi để học chữ, mà có thể như một thành phố thu nhỏ. Nhưng thực tế hiện nay cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm trong đào tạo còn thiếu thốn. Thậm chí có những cơ sở đào tạo thuê lại cơ sở bỏ không của một đơn vị nào đó để trở thành khu giảng đường thì khó có chất lượng đào tạo tốt được. Trong khi đó, nhiều trường chú trọng mở những ngành khối kinh tế, ít phải đầu tư để mở ngành”

Thách thức về việc chịu sự cạnh tranh khốc liệt với các mô hình đào tạo ưu việt mới và bị tụt hậu với thế giới.

Sự phát triển của những mô hình, phương thức đào tạo mới đang thực sự đe dọa tới sự tồn tại của đại học truyền thống. Tiêu biểu có thể kể đến chính là đại học trực tuyến và đại học trong doanh nghiệp.

CMCN 4.0 cùng các thiết bị thông minh đã hình thành mô hình trường học trực tuyến với những ưu điểm nổi bật: chương trình luôn thay đổi và được cập nhật thường xuyên, hoàn toàn tương thích với sự phát triển của CMCN 4.0. Đại học trực tuyến giờ đây là mô hình trường Đại học không có giảng đường, không có giảng viên đích thực mà sử dụng các mentor - là các chuyên gia công nghệ hàng đầu luôn hỗ trợ sinh viên trong quá trình học tập. Quá trình học đều được thực hiện trực tuyến, nơi thầy trò giao tiếp mà không cần tới lớp. Đại học trực tuyến có thể xây dựng chương trình đào tạo cập nhật nhanh nhất mảng kiến thức này cho học viên. Mô hình Đại học trực tuyến ngày càng lớn mạnh theo thờì gian và phát triển song hành với cuộc CMCN 4.0 đang thu hút số lượng lớn học sinh tốt nghiệp phổ thông. Đại học trực tuyến được xem là mối đe dọa lớn nhất đối Đại học truyền thống.

Bên cạnh đó, CMCN 4.0 cũng đang chứng kiến sự dịch chuyển chức năng nghiên cứu và đào tạo từ khu vực Đại học sang khu vực doanh nghiệp. Các doanh nghiệp lớn hiện nay có phòng thí nghiệm riêng, có đội ngũ nghiên cứu thực hiện các nghiên cứu tốn kém. Trường đại học không còn là nơi duy nhất nghiên cứu nữa, đặc biệt là các nghiên cứu ứng dụng. Nhiều tập đoàn công nghệ ngày nay có tiềm lực công nghệ, con người và tài chính rất lớn, họ lại ở tuyến đầu trong cuộc chạy đua biến tri thức thành sản phẩm phục vụ cuộc sống vì thế họ có nhiều trải nghiệm quý giá mà giới hàn lâm đại học không có. Sự ra đời của các tổ chức này trước tiên là nhằm mục tiêu đào tạo nội bộ cho nhu cầu của doanh nghiệp, nhưng hiện nay phần lớn đã mở rộng đối tượng đào tạo học viên ngoài, cấp chứng chỉ và cạnh tranh trực tiếp với đại học truyền thống và đang tham gia vét cạn nguồn tuyển sinh của các trường Đại học truyền thống công lập.

Tóm lại, trước xu thế máy móc tự động hóa thay thế con người, nguồn nhân lực phải trang bị kiến thức, kĩ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới. Do đó, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế hiện nay trở nên vô cùng cấp bách. Vì vậy, việc nghiên cứu, xây dựng và đổi mới chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0 và cạnh tranh với các mô hình, phương thức đào tạo mới trở nên vô cùng quan trọng đối với các trường đại học truyền thống.

4. Một số đề xuất về định hướng phát triển cho các trường đại học công lập đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh của cuộc CMCN 4.0

4.1. Cải cách tổ chức quản trị, tăng cường nguồn lực đầu tư, đổi mới cơ chế tài chính của trường đại học theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm

Nhằm huy động hiệu quả hơn các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học; nâng cao tính tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, đảm bảo tính trách nhiệm đối với Nhà nước, người học và xã hội thì trước hết bản thân các trường đại học phải là một tổ chức minh bạch trong tổ chức bộ máy vận hành và tự chủ trong tài chính. Trường đại học giờ đây cần thay đổi tư duy, vận hành như một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giáo dục thực thụ chứ không nên ở thế chờ đợi sinh viên đến ứng tuyển như trước đây. Đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, nghiên cứu. Cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng hiệu quả, bố trí hợp lí cho chi đầu tư, hướng tới mục tiêu tự chủ đại học, tăng cường xã hội hóa giáo dục và khuyến khích sự đầu tư từ các doanh nghiệp ngoài.

4.2. Từng bước xây dựng, phát triển các trường đại học tiệm cận với mô hình của hệ thống sinh thái học tập

Phát triển trường học đạt tới mô hình của hệ thống sinh thái học tập với điểm nhấn là hệ thống công nghệ tiên tiến với các nền tảng công nghệ thông tin hiệu quả để vận hành hệ thống quản lí học tập (Learning management system - LMS). Hệ sinh thái học tập bao gồm các thành phần sinh vật và phi sinh vật cùng tất cả các mối quan hệ trong ranh giới vật lí xác định. Cụ thể, nó bao gồm các bên liên quan tham gia vào toàn bộ chuỗi của quá trình học tập, các tiện ích học tập, môi trường học tập và trong ranh giới cụ thể - ranh giới môi trường học tập. Hệ sinh thái học tập được coi là bao gồm:

  • Hệ thống chủ thể học tập (cá nhân người học, thầy giáo, nhóm…)

  • Hệ thống tri thức học tập (chương trình, bài giảng, sách giáo khoa, tài liệu thư viện, tri thức người học, tri thức người dạy, tri thức nhóm, tri thức trên mạng…

  • Hệ thống công nghệ học tập (mạng Internet, hệ thống e-leaming, các phần mềm hỗ trợ học tập các công cụ tìm kiếm tra cứu trên mạng Internet, các phần mềm mô phỏng đi thực tế, bài tập nhóm, seminar, tiểu luận…

            Hệ thống công nghệ học tập được coi ngày càng đóng vai trò quan trọng và có những thay đổi nhanh nhất trong hệ thống sinh thái học tập trong bối cảnh CMCN 4.0.

4.3. Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận chương trình giáo dục tích hợp và xuyên ngành; phát triển đào tạo trực tuyến, đào tạo từ xa

Chương trình đào tạo cần được thiết kế linh hoạt, theo hướng mở, đáp ứng chuẩn đầu ra mặt khác tao sự liên thông giữa các trình độ. Trong môi trường CMCN 4.0, phương pháp giáo dục và đào tạo phải được đổi mới toàn diện theo hướng lấy người học làm trung tâm, đồng thời đổi mới cách kiểm tra, đánh giá người học theo năng lực. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá.Thay đổi căn bản cách học tập và giảng dạy trong nhà trường với những chỉ tiêu giám sát kết quả cụ thể.

Quan trọng hơn, để tiệm cận và sớm đạt tới chuẩn trong yêu cầu của giáo dục 4.0 thì các trường cần chú trọng áp dụng cách tiếp cận chương trình giáo dục tích hợp và xuyên ngành nhằm đáp ứng cao nhất các nhu cầu cá nhân hóa học tập, đồng thời hình thành các kĩ năng của thế kỉ XXI như giải quyết vấn đề, phối hợp giữa nhiều người, quản lí con người, tư duy phản biện…nhằm đối phó với sự bất ổn của thời đại công nghiệp 4.0.

4.4. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lí giáo dục

Tăng cường sử dụng sổ điện tử trong nhà trường; tập trung xây dựng và khai thác sử dụng có hiệu quả kho bài giảng e-learning, kho học liệu số của ngành phục vụ nhu cầu tự học và đổi mới, sáng tạo trong hoạt động dạy và học; triển khai mô hình giáo dục điện tử, lớp học, trường học thông minh; cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Áp dụng mạnh mẽ phương pháp học trực tuyến, kết hợp giữa phương pháp học truyền thống với học trực tuyến để tạo thuận lợi cho nhiều người học tập. Đặc biệt, đầu tư mạnh mẽ trong việc áp dụng vào dạy và học những công nghệ thực ảo, hướng phát triển chủ đạo của Công nghiệp 4.0 nhằm tăng cường các mức độ trải nghiệm trực tiếp, qua đó nâng cao hơn nữa hiệu quả của học tập, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc CMCN 4.0.

4.5. Phát triển đội ngũ giảng viên và cản bộ quản lí giáo dục đại học

Với CMCN 4.0, sinh viên phải tự học là chính. Vai trò của người thầy cũng thay đổi từ trạng thái dạy học sang hướng dẫn. Giảng viên hướng dẫn sinh viên học qua các dự án, giải quyết các bài toán từ thực tế. Việc này đòi hỏi giảng viên phải tăng cường ra thực tế để có dự án hướng dẫn sinh viên. Nhiều chuyên gia cho rằng, các hình thức đào tạo online, đào tạo ảo, mô phỏng, số hóa bài giảng... sẽ là xu hướng đào tạo nghề nghiệp trong tương lai. Điều này tạo áp lực lớn cho các trường về chuẩn bị nguồn lực, đặc biệt là đội ngũ cán bộ giảng dạy, xây dựng không gian học tập.

Từ đó, các trường đại học cần phát triển đội ngũ nhà giáo theo khung năng lực, đáp ứng các yêu cầu của vị trí việc làm; thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, tuyển và sử dụng theo quy hoạch, vận dụng các chính sách tạo động lực làm việc, cống hiến và sáng tạo của đội ngũ. Quản lí và sắp xếp đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lí theo chuẩn để đảm bảo chất lượng, hiệu quả công việc; tăng cường hội nhập quốc tế, hợp tác với các cơ sở đào tạo sư phạm hàng đầu trên thế giới và trong khu vực; tôn vinh nghề dạy học đi đôi với đề cao đổi mới vai trò người thầy; đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi thu hút và sử dụng mạnh mẽ các nguồn đầu tư nước ngoài có sẵn cho đào tạo, bồi dưỡng giáo viên nhằm nâng cao năng lực nghề dạy học trong kỉ nguyên số hóa.

4.6. Thúc đẩy liên kết với các doanh nghiệp nhằm tăng cường nguồn lực đầu tư từ bên ngoài cho khoa học - công nghệ, hỗ trợ sinh viên sắp và mới ra trường và nhận đặt hàng đào tạo từ doanh nghiệp

Bằng việc xúc tiến, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, các trường đạihọc quốc tế, các trường đại học có thể tăng cường nguồn lực đầu tư từ bên ngoài để xây dựng các phòng thí nghiệm theo hình thức hợp tác công - tư. Các phòng thí nghiệm này không chỉ là nơi để sinh viên thực hành mà còn là trung tâm nghiên cứu chuyên sâu theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp nhằm tạo ra các sản phẩm dịch vụ có hàm lượng tri thức cao. Tùy thuộc vào khả năng và điều kiện cụ thể mà lựa chọn nội dung và hình thức liên kết phù hợp. Về nội dung hợp tác liên kết nghiên cứu phát triển dưới dạng hợp đồng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phối hợp thực hiện các chương trình đào tạo. Doanh nghiệp với tư cách là khách hàng thường xuyên của các trường đại học. Cách tốt nhất là các trường đại học nên liên danh với doanh nghiệp lớn để hình thành mô hình đại học mới - đại học doanh nghiệp. Thay đổi từ chỗ “dạy những gì giới học thuật sẵn có” sang cách “dạy những gì thị trường cần, doanh nghiệp cần”, hoặc thậm chí xa hơn là “dạy những gì thị trường và doanh nghiệp sẽ cần”. Thêm vào đó, hợp tác nghiên cứu sẽ mang lại cho các trường đại học nguồn kinh phí đáng kể để tăng thêm tiềm lực khoa học - công nghệ và nâng cao chất lượng đào tạo. 

Có cơ chế để khuyến khích các doanh nghiệp và các tổ chức giáo dục đào tạo gắn kết với nhau để thu hẹp khoảng cách kỹ năng của sinh viên mới ra trường, qua đó giúp họ rút ngắn thời gian tìm việc phù hợp với chuyên môn và các doanh nghiệp rút ngắn thời gian và giảm chi phí tuyển dụng. Bên cạnh đó Nhà trường cũng cần tăng cường tổ chức các ngày hội việc làm, những chuyến tham quan thực tế để kết nối với nhà sử dụng lao động và tăng cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp.

4.7. Đẩy mạnh quốc tế hóa trong dịch vụ giáo dục đại học

Các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam cần đẩy mạnh tìm kiếm hợp tác với các trường đại học trên thế giới nhằm tìm kiếm, thí điểm các mô hình giáo dục tiên tiến và tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình xây dựng, đổi mới chương trình và tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học. Đồng thời, chủ động mở rộng hợp tác quốc tế, phát triển các chương trình hợp tác trao đổi sinh viên, giảng viên với các trường đại học nước ngoài. Công tác hợp tác trong nghiên cứu khoa học, liên kết đào tạo, công nhận tín chỉ, đồng cấp bằng với các trường đại học được kiểm định của nước ngoài cũng cần được đẩy mạnh nhằm giúp các trường tiệm cận hơn nữa với xu thế phát triển của giáo dục đại học thế giới.

4.8. Truyền thông, tăng cường nhận thức hơn nữa của xã hội về CMCN 4.0, xúc tiến quảng bá để nâng cao nhận thức của lớp trẻ, định hướng sinh viên vào học các ngành STEM

Đầu ra từ các ngành STEM chính là nguồn nhân lực quan trọng và cốt lõi đóng góp cho sự phát triển của cuộc CMCN 4.0. Khi theo học STEM, người học vừa học được kiến thức khoa học, vừa học được cách vận dụng kiến thức đó vào thực tiễn một cách sáng tạo. Trong mỗi bài học theo chủ đề STEM, người học được đặt trước một tình huống có vấn đề thực tiễn cần giải quyết liên quan đến các kiến thức khoa học, kỹ thuật cần dạy. Và để giải quyết vấn đề nào đó, người học phải tìm tòi, nghiên cứu những kiến thức thuộc các môn học có liên quan đến vấn đề đó (qua tài liệu, thiết bị, công nghệ) và sử dụng chúng để giải quyết vấn đề đặt ra. Đây chính là những năng lực cần thiết và quan trọng mà mỗi con người cần có để đáp ứng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, kỹ thuật như hiện nay. Như thế, việc định hướng phát triển giáo dục STEM ở chương trình giáo dục đại học mới là cần thiết nhằm trang bị kiến thức, hành trang cho sinh viên Việt Nam hội nhập với thị trường lao động thời 4.0.

Việc tổ chức tuyên truyền, tổ chức các buổi hội thảo, ngày hội định hướng, những buổi trải nghiệm thực tế cho sinh viên về lợi ích và tầm quan trọng của STEM sẽ có mang tính quyết định trong việc nâng cao nhận thức của giới trẻ về định hướng nghề nghiệp và những yêu cầu của CMCN 4.0 đối với nguồn nhân lực chất lượng cao sau này. Nếu các trường, đặc biệt là các trường khối kĩ thuật làm tốt ngay từ những bước định hướng ban đầu như thế này, bài toán về giải quyết và đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực đầu ra của thời kì CMCN 4.0 coi như đã giải quyết được một nửa, do sẽ hạn chế bớt được tình trạng học sinh giỏi đổ dồn vào học các ngành

5. Trường Đại học Giao thông vận tải chủ động tham gia đào tạo nhân lực trình độ quốc tế tại TP. HCM

Đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 hiện nay trở thành động lực phát triển to lớn đối với các cơ sở giáo dục đại học, đóng vai trò quyết định đến sự phát triển của TP.HCM nói riêng và của cả đất nước nói chung. Thực hiện chỉ thị của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và lãnh đạo TP.HCM về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong năm học 2018-2019, trường Đại học Giao thông vận tải (ĐHGTVT) nói chung và phân hiệu tại TP.HCM đã chú trọng triển khai rà soát, điều chỉnh chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến năm 2030, đồng thời chủ động nghiên cứu, đề xuất các hướng phát triển mới. Ngoài việc áp dụng các giải pháp và đề xuất nêu trên, dựa trên các thế mạnh và lợi thế sẵn có của Nhà trường, lãnh đạo và Ban Giám hiệu Nhà trường xác định phát triển ngành đào tạo mũi nhọn tập trung vào các lĩnh vực về đường sắt cao tốc/đường sắt đô thị, cơ khí GTVT, giao thông thông minh, thành phố thông minh, logistics và quản lý chuỗi cung ứng theo định hướng CMCN 4.0 và chủ động tiếp cận công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế của TP.HCM nói riêng và khu vực phía Nam nói chung. Đây là những ngành nghề, lĩnh vực mà doanh nghiệp và thành phố đang có nhu cầu phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh mới. Trong lĩnh vực giao thông thông minh, thành phố thông minh, Nhà trường đã phối hợp với trường đại học Feng Chia (Đài Loan) tổ chức hội thảo quốc tế tại Phân hiệu vào ngày 5/9/2018 với chủ đề “Xây dựng thành phố thông minh ở Việt Nam: Tầm nhìn và Giải pháp”, hướng tới phối hợp cùng các đối tác, đại học quốc tế trong việc đào tạo, cấp bằng quốc tế, cung ứng nhân lực cho TP.HCM trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực logistics, Nhà trường đã sớm triển khai đào tạo chuyên sâu, với chương trình đào tạo được thiết kế hợp lý giữa các khối kiến thức chung về khai thác điều hành vận tải và kiến thức nâng cao về logistics. Sinh viên được cung cấp kiến thức thực tế qua hai đợt thực tập cùng với khả năng ngoại ngữ tốt cộng với đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, đã góp phần tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng được nhu cầu đang khan hiếm của thị trường lao động logistics Việt Nam nói riêng và quốc tế nói chung. Nhiều sinh viên năm cuối đã được tham gia vào các dự án thực tế tại viện nghiên cứu tại trường, các công ty doanh nghiệp, nhận được đánh giá cao về trình độ chuyên môn cũng như thái độ làm việc và được giữ lại làm việc sau khi kết thúc đợt thực tập. Tỷ lệ sinh viên ngành này có việc làm cao (trên 95%) ngay sau khi tốt nghiệp bởi kiến thức chuyên môn sâu, sự năng động, khả năng cân bằng và nắm bắt tốt giữa các quy trình nghiệp vụ cũng như kiến thức mới về logistics, kỹ năng tiếng Anh tốt cùng với thái độ làm việc chuyên nghiệp.

6. Kết luận

Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của tập thể lãnh đạo TP.HCM, cùng sự nỗ lực cố gắng của tất cả các đơn vị, cơ sở giáo dục đại học, trường Đại học Giao thông vận tải nói chung và phân hiệu tại TP.HCM quyết tâm chung tay cùng thành phố phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ sánh ngang với bạn bè quốc tế, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong bối cảnh của cuộc CMCN 4.0.

Tài liệu tham khảo:

  1. WEF, (2016), The Human Capital Report 20Ỉ6, © World Economic Forum.

  2. ITU, (2016), Measuring the Information Society Report 2016, © 2016 ITU International Telecommunication Union, Geneva Switzerland.

  3. Schwab, K (2016), The Fourth Industrial Revolution, Geneva: World Economic Forum.

  4. Nguyễn Lộc (2018), Giáo dục 4.0 và những thay đổi cần thiết của năng lực quản lý, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế về Chiến lược và kế hoạch giáo dục trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, tr.99- tr.110.

  5. Lê Đông Phương (2018), Tác động của Cách mang công nghiệp 4.0 đến giáo dục đại học Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế về Chiến lược và kế hoạch giáo dục trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, tr.151- tr.160.

  6. http://www.dubaonhanluchcmc.gov.vn/tin-tuc/4081.tai-lieu-tap-huan-ky-nang-tu-van-huong-nghiep-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-tai-thanh-pho-ho-chi-minh.html