Tổng quan về giáo dục và học liệu mở

TS. Trịnh Quang Khải, ThS. GVC. Nguyễn Thị Thu Hương, ThS. Nguyễn Phương Ngân

Phòng Nghiên cứu phát triển  

Trường Đại học Giao thông vận tải

Bài viết được đăng trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học cấp Quốc gia: "Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế" do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Trung Ương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hiệp hội Vì Giáo dục mọi người Việt Nam và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức ngày 16/5/2018.

 

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Hiện tại Việt Nam đã là thành viên Hiệp hội Giáo dục mở quốc tế (OEC), nhưng cho đến nay chúng ta chưa có bất kỳ khái niệm chính thức nào về hệ thống Giáo dục mở (GDM). Bài viết này tập trung giới thiệu sơ lược lịch sử hình thành và phát triển, các hình thức giáo dục mở và nền tảng công nghệ cần có của hệ thống GDM, đồng thời trình bày các yếu tố liên quan đến học liệu mở của một số nước và một số trường đại học tiên tiến trên thế giới.

II. GIÁO DỤC MỞ Ở MỘT SỐ NƯỚC

2.1. Sơ lược lịch sử hình thành và phát triển của Giáo dục mở

Từ đầu thập niên 1900, ở nước Mỹ đã hình thành các câu lạc bộ 4H nhằm giúp lớp thanh niên tiếp cận với các tiến bộ khoa học trong nông nghiệp và kinh tế gia đình. Dần dà, cách chia sẻ thông tin, kiến thức này được nhân rộng ra các ngành khác. Thông qua hoạt động của 4H, người dân Mỹ có thể dễ dàng (và gần như là miễn phí) tiếp cận với những thành tựu khoa học kỹ thuật mới nhất mà không cần phải đến trường, lớp nào cả. Các chương trình đào tạo đa dạng và các nguồn tài liệu phong phú cho phép người học có thể học thứ họ muốn, theo tiến độ phù hợp với cá nhân họ. [1]

Triết lý ‘mở’ của Đại học Mở (Vương quốc Anh) ở giai đoạn đầu mớichỉ dừng ở việc ‘tiếp cận mở’, tức là người học không buộc phải thi tuyển đầu vào, và hình thức học là đào tạo từ xa và bán thời gian.

Nhưng giờ đây, trong thời đại công nghệ kỹ thuật số và Internet, khái niệm GDM đã bắt đầu phải thay đổi. Để theo học GDM, người học buộc phải đáp ứng điều kiện tiên quyết là có thiết bị máy tính và có kết nối với Internet. Do đó, khái niệm ‘mở’ trong GDM thực ra chưa bao giờ hoàn toàn ‘mở’ vì, dù ít hay nhiều, người học khi ghi danh một khóa học đều đã phải thỏa mãn một vài yêu cầu nhất định, như trình độ học vấn ở phổ thông, khả năng và điều kiện tiếp cận với CNTT.v.v. Do vậy, tính ‘mở’ trong GDM chủ yếu áp dụng cho việc truy cập thông tin, tài liệu để tích lũy kiến thức. [10]

          Các cơ sở giáo dục thường tuyển sinh cho các khóa học theoGDM bằng cách xét tuyển hồ sơ và tổ chức dạy trực tuyến, hay kết hợp hình thức trực tuyến và tập trung. Như vậy, GDM đã làm gia tăng cơ hội được học tập và đào tạo mà theo truyền thống thường chỉ có được thông qua các hệ thống giáo dục chính thống. Khái niệm ‘mở’ chính là nói đến việc xóa bỏ các rào cản mà có thể khiến nhiều người tiêu tan các cơ hội học tập hoặc họ không được công nhận là đã từng theo học ở cơ sở giáo dục nào đó. Bộ Giáo dục Mỹ cũng cho rằng đã đến lúc cần phải tạo ra các cơ hội học tập cho tất cả mọi người.

Ở Việt Nam, từ đầu thập niên 2010 đã xuất hiện những quan điểm khác nhau về GDM. Hiểu theo quan điểm hệ thống mở thì GDM là “hệ thống được thiết kế sao cho tổ chức và hoạt động của nó có khả năng thích ứng với những đổi thay và yêu cầu mới của môi trường kinh tế, xã hội”. Lại có quan điểm khác cho rằng: Giáo dục truyền thống là hệ thống ‘đóng’, tập trung vào người dạy, với những quy định cứng nhắc về chương trình đào tạo, phương pháp dạy và học, cách kiểm tra đánh giá, thì GDM là hệ thống ‘lấy người học là trung tâm’, với những quy định thông thoáng về chương trình, trường lớp, phương pháp tiếp cận. [3] Thực tế, cho đến nay chưa có văn bản nào đưa ra định nghĩa chính thức về GDM ở Việt Nam.

Gần đây, báo Giáo dục và Thời đại ngày 2/1/2018 đăng bài của TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến nêu quan điểm “Hệ thống giáo dục mở nên hiểu theo cách của thế giới”. Theo đó, GDM đơn giản là nền “giáo dục mà trong đó các rào cản trên con đường đến với giáo dục được gỡ bỏ” và cũng theo ông, định nghĩa này cần được đưa vào Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục (sửa đổi) [4].

2.2. Các hình thức giáo dục mở

Theo giáo trình khóa Thạc sĩ H817 về Tính mở và những cải tiến trong học tập (Openness and innovation in learning) thuộc ngành Open Education (GDM) của Đại học Mở (Vương quốc Anh), GDM có thể triển khai với những hình thức sau [10]:

  1. Giáo dục cho tất cả:  Giáo dục miễn phí ở các cấp phổ thông, cao đẳng và đại học dành cho bất kỳ ai, hay chi phí rất thấp thường do Nhà nước tài trợ cho một số nhóm đối tượng riêng biệt, như sinh viên cử tuyển, sinh viên thuộc các nhóm đối tượng chính sách;

  2. Học liệu mở (HLM): Các tư liệu được số hóa, được cấp phép và đăng lên Internet để sử dụng miễn phí với những quyền nhất định.

  3. Truy cập mở tới các khóa học hay chương trình giáo dục có mã nguồn mở, ví dụ như MOOC. Kết thúc khóa học, học viên có thể có hoặc không được cấp chứng chỉ;

  4. Sách giáo khoa mở: được đăng trực tuyến để người học tự do truy cập;

  5. Nghiên cứu mở: Các công trình, tài liệu nghiên cứu được đăng trực tuyến, để những ai quan tâm thìcó thể tự do tải về;

  6. Dữ liệu mở: Bất kỳ ai cũng có thể truy cập để sử dụng hay tái sử dụng, chia sẻ với điều kiện có ghi công cho tác giả.

Trong tất cả các hình thức GDM trên đây, đa phần GDM là cung cấp miễn phí các tài liệu, giáo trình, công trình NCKH, dữ liệu mở, v.v. để mọi người truy cập và sử dụng chúng theo phương pháp tự học, tự đào tạo, tự nghiên cứu. Riêng với hình thức thứ nhất, GDM nhằm phục vụ nhiều đối tượng trong xã hội hơn thì cho đến nay, các khóa học trực tuyến có thu học phí vẫn phổ biến hơn cả, nhất là khi hình thức này thích hợp với các nước đang phát triển như Phi-lip-pin, Thái Lan, Việt Nam.

2.3. Nền tảng công nghệ cần có

Các hợp phần công nghệ cấu thành nên hệ thống GDM bao gồm:

          1) Blog: Người học cần thiết phải lập blog và thường xuyên trao đổi ý kiến, quan điểm, phản hồi về các nội dung đã học sau mỗi bài (hàng tuần)

          2) Các đường liên kết/ siêu liên kết và mã nhúng: Đây là phương phức mà các giảng viên đăng bài, và cũng là cách để người học thuyết trình về một vấn đề. Nhiều giảng viên còn khai thác các công cụ của web 2.0.

          3) Mạng xã hội: Phổ biến nhất là Facebook và Twitter, là kênh thông tin giữa các học viên để nhận, phân phối các HLM cũng như thảo luận bài học.

          4) Môi trường học ảo: Như Moodle và Blackboard mã nguồn mở, cung cấp sàn cho các cuộc thảo luận không đồng thời và là nơi đăng tải nội dung.

           Ngoài ra, có thể kể đến các trang thiết bị kỹ thuật số như Bảng tương tác, máy tính cá nhân, hoặc các phần mềm ứng dụng hỗ trợ cho đào tạo trực tuyến như PROVIEW E-learning 3.0 TM hay CLEVER. [10]

III. HỆ THỐNG HỌC LIỆU MỞ Ở MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI

3.1. Khái niệm học liệu mở

Có thể nói, nguồn HLM đóng vai trò cốt lõi trong hệ thống GDM hiện đại. Đã có các tổ chức GD khác nhau đưa ra những định nghĩa về HLM, nhưng về cơ bản, họ đều thống nhất rằng HLM là các tư liệu số hóa được cấp phép mở và được đưa ra miễn phí để các nhà GD, các học viên và những người tự học có thể sử dụng cho việc dạy, học và nghiên cứu, đánh giá của mình. Chúng có thể được sửa đổi và tái sử dụng mà không vi phạm các luật về bản quyền. [5]

3.2. Nguyên tắc xuất bản

Theo David Willey (2014), việc xuất bản/ đăng HLM phải tuân theo 5 nguyên tắc (quyền) cơ bản (còn gọi là 5R). Đó là:

          1. Reuse - Sử dụng lại: Mọi người được phép sử dụng lại một phần hay toàn bộ tác phẩm, phục vụ cho mục đích riêng của họ (VD: tải video về học liệu để xem)

          2. Redistribution – Phân phối lại: Mọi người có thể chia sẻ tư liệu với người khác (VD: gửi chuyển tiếp một bài báo điện tử cho người khác)

          3. Revise – Làm lại: Mọi người có thể sửa đổi hay dịch tác phẩm (VD: dịch tài liệu sang tiếng Việt)

          4. Remix – Trộn: Mọi người có thể phối hợp hai hay nhiều tư liệu khác nhau để tạo ra một tài nguyên/ tác phẩm phát sinh mới (VD: lấy tư liệu giọng nói của tác phẩm này kết hợp với slide của văn bàn khác để hình thành một tài liệu mới)

          5. Retain – Giữ lại: Vì không có luật Quản lý quyền số (DRM) nên mọi người có thể lưu giữ nội dung tư liệu bao lâu tùy thích.

Người cung cấp/ tác giả có thể cho phép sử dụng cả 5 quyền hoặc ít hơn. Cũng theo Willey (2014), số lượng quyền được cấp phép chính là thể hiện tính ‘mở’nhiều hay ít của một nguồn tài liệu nào đó. [11]

3.3. Giấy phép

Như đã nêu ở trên, HLM trước khi đăng/ xuất bản phải được cấp phép. Hiện nay, có hai loại hệ thống cấp phép phổ biến là Creative Commons (CC) và GNU - Free Document Lisence (GFDL), với GFDL thường sử dụng cho các tài liệu đi kèm các phần mềm máy tính còn CC thì dành chung cho tất cả các loại tài liệu (tệp văn bản, âm thanh, hình ảnh, nghe nhìn), và là loại giấy phép tư liệu tự do – mở được sử dụng rộng rãi nhất. Chẳng hạn, trang YouTube cho phép bạn đánh dấu video mà bạn muốn đăng lên YouTube bằng giấy phép CC BY, sau khi bạn đã tham khảo Điều khoản dịch vụ của họ. Sau đó, bạn vẫn giữ bản quyền với video của mình, nhưng toàn bộ cộng đồng YouTube được phép tái sử dụng hay chỉnh sửa video đó theo các điều khoản của giấy phép. [7]

Các hệ thống cấp phép này khi được xây dựng đều phải tuân thủ khung pháp lý về sở hữu trí tuệ và có giá trị trên toàn cầu. Chúng đưa ra cách thức tiếp cận thuận tiện cho cả tác giả/ người đăng tư liệu và người sử dụng, thông qua Internet. Các HLM khác nhau thì có mức độ tự do khác nhau do tác giả quy định, do vậy sẽ được cấp phép CC khác nhau. Chẳng hạn,

Tác giả, khi đăng tác phẩm của mình, được quyền giữ lại một số quyền mà mình muốn, và chỉ trao cho người sử dụng một số quyền nhất định khi truy cập vào tác phẩm này.

          Người sử dụng khi nhìn thấy tác phẩm nào ở dạng tệp số có gắn biểu tượng giấy phép CC thì sẽ lần theo đường link dẫn về trang web của giấy phép CC được tác giả gắn cho tác phẩm để biết giới hạn quyền sử dụng tác phẩm đến đâu, và không cần phải xin phép tác giả nữa. Hiện nay, CC đã triển khai cấp phép cho nhiều nước, trong đó có Việt Nam. [5]

Theo Yan Geffrotin (2007), các giấy phép CC khi cấp phải đảm bảo ba thuộc tính [12]:

          - Bất cứ ai khi sử dụng HLM này phải dẫn nguồn tài liệu là tác giả đích thực. Tuyệt đối không coi đó là sản phẩm của mình, dù đã qua chỉnh sửa,

          - Tất cả mọi người đều được tự do sử dụng HLM này với điều kiện không phục vụ cho mục đích kinh doanh, ví dụ: chỉnh sửa HLM để bán lại;'

          - Những ai sử dụng HLM và chỉnh sửa nó đều phải chia sẻ bản đã sửa với người khác, nếu các HLM ấy được cấp cùng loại giấy phép.

3.4. Công nghệ

Để xây dựng các HLM chất lượng, có giá trị sử dụng lâu dài, cần thiết phải có nền tảng công nghệ bao gồm ba thành phần cơ bản:

(a) các phần mềm mã nguồn mở, để sử dụng, tái sử dụng, phân phối nội dung học tập, tìm kiếm và tổ chức nội dung, hệ thống quản trị học tập, công cụ phát triển nội dung, các cộng đồng học tập trực tuyến;

(b) các tài liệu, sách, tạp chí được công bố phục vụ việc học tập và tham khảo;

(c) các tài nguyên phục vụ việc triển khai gồm các loại giấy phép về quyền sở hữu trí tuệ để thúc đẩy việc xuất bản tài liệu mở, những nguyên tắc để triển khai và bản địa hóa nội dung và các tiêu chí chuẩn đển đảm bảo sự tương thích giữa các hệ thống HLM khác nhau. [5 và 8]. Thành phần cơ bản của học liệu mở cụ thể như sau:

- Lưu trữ OER (OER Respositories)

- Nội dung học tập (Learning content)

- Xuất bản OER (OER Publishers)

- Hệ tống giấy phép, các nguyên tắc triển khai

- Cộng đồng sử dụng OER

- Các công cụ để phát triển, quản rị OER

Thực tế xây dựng và khai thác sử dụng HLM ở một số nước trên thế giới cho thấy công việc này đòi hỏi rất nhiều kỹ năng chuyên nghiệp. Với các HLM chất lượng cao đã có sẵn trên thế giới, chủ yếu bằng tiếng Anh, thì bản địa hóa là cách tốt nhất và nhanh nhất để các nước đang phát triển có được nguồn tài liệu học tập mong muốn.

Để trợ giúp việc xây dựng các HLM chất lượng và khai thác chúng một cách hiệu quả, UNESCO đã ban hành văn bản “Chỉ dẫn cơ bản về tài nguyên mở HLM” vào năm 2015.

IV. KẾT LUẬN

GDM với HLM được khích lệ với niềm tin rằng người học muốn tự làm chủ việc học tập của chính bản thân mình, người học có điều kiện để học liên tục, học suốt đời. Các nước phát triển và các trường đại học tiên tiến trên thế giới đi tiên phong trong xu thế GDM và đã tạo ra rất nhiều nguồn học liệu chất lượng, quý giá. Đây là những hình mẫu tham khảo giúp Bộ Giáo dục và đào tạo cùng các cơ sở giáo dục ở Việt Nam xây dựng và phát triển hệ thống của chính mình.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Open Education. Wikipedia.

2. Làm thế nào để tăng cường tài nguyên giáo dục mở. Liên minh Giáo dục Tự do_ Tài liệu quan điểm. Tháng 2/2015.

3. Giáo dục Việt Nam nên ‘mở’ như thế nào? Phạm Đỗ Nhật Tiến. Bài đăng 23/1/2013 http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/giao-duc-viet-nam-mo-nhu-the-nao-106454.html

4. Hệ thống giáo dục mở nên hiểu theo cách của thế giới. Phạm Đỗ Nhật Tiến. Bài đăng 02/01/2018, báo Giáo dục và Thời đại.

5. Tổng quan về tài nguyên giáo dục mở và dự đoán một kịch bản tương lai cho giáo dục Việt Nam. Lê Trung Nghĩa. Bài đăng 01/01/2016 trên www.vnu.edu.vn

6. Đổi mới giáo dục_ Hướng tới một nền giáo dục mở. Vũ Duy Yên. Bài đăng 18/5/2017 trên www.tuyengiao.vn

7. Giấy phép Creative Commons.

https://support.google.com/youtube/answer/2797468?hl=vi

8. Tổng quan về học liệu mở và nhận dạng các yếu tố tác động đến việc xây dựng và chia sẻ học liệu mở trong các trường đại học Việt Nam. Đỗ Văn Hùng. Khoa Thông tin – Thư viện, ĐH Quốc gia Hà Nội

9. Chương trình Học liệu mở Việt Nam. (2015) Giới thiệu và Mục tiêu. VOCW. 1-2.

10. The Open University, UK. (2018). ‘Openness and innovation in learning’. Chương trình đào tạo Thạc sĩ về Giáo dục mở.

11.Willey, D. (2014). ‘The access compromise and the 5th R’ – Iterating toward openness.

12. Geffrotin, Y. (2007). Creative Commons: Spectrum of Rights.