Đề xuất các nhóm giải pháp và mô hình quản trị giúp tăng cường nguồn lực tài chính cho Trường Đại học GTVT

TS. Trịnh Quang Khải, ThS. Nguyễn Phương Ngân, ThS. Nguyễn Thị Ngọc Anh
Phòng Nghiên cứu phát triển – Trường Đại học Giao thông vận tải
Tham luận tại Hội thảo "Các giải pháp tăng cường nguồn lực tài chính của Trường Đại học Giao thông vận tải" ngày 3/7/2018
 
1. Đặt vấn đề
Thúc đẩy nguồn lực tài chính hiện nay trong các cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò nền tảng để phát triển nguồn nhân lực, cơ sở vật chất...nhằm giúp các trường thực hiện tốt sứ mạng và mục tiêu phát triển. Thực hiện chỉ thị của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo về đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập, trong năm học 2017-2018, trường Đại học Giao thông vận tải (ĐHGTVT) chú trọng triển khai rà soát, điều chỉnh chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn đến năm 2030, đồng thời chủ động tổ chức hội thảo tìm các giải pháp tăng cường nguồn lực tài chính cho Nhà trường. Dựa trên kết quả phân tích thực trạng tài chính trường ĐH GTVT (đã công bố trong bản dự thảo chiến lược) và tổng hợp phân tích thực trạng tài chính của các cơ sở giáo dục đại học thí điểm tự chủ tại Việt Nam, phòng Nghiên cứu phát triển xin đề xuất các nhóm giải pháp và mô hình đại học được quản trị theo doanh nghiệp nhằm tăng cường nguồn lực tài chính, hướng đến thúc đẩy hơn nữa cơ chế tự chủ tài chính của trường ĐH GTVT.
2. Tổng quan về tự chủ đại học nói chung và tự chủ tài chính
Hiện nay, tự chủ đại học thể hiện mối quan hệ giữa cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) với Nhà nước.Một nguyên lý cơ bản đằng sau tự chủ đại học là các cơ sở GDĐH sẽ vận hành tốt hơn nếu họ nắm được vận mệnh của chính mình. Tự chủ sẽ tạo động lực để cơ sở GDĐH đổi mới nhằm đạt hiệu quả cao hơn trong hoạt động của mình, đồng thời cũng làm tăng tính cạnh tranh giữa các cơ sở GDĐH, tạo điều kiện để đa dạng hoá các hoạt động giáo dục. Vì vậy xu hướng chung trên toàn cầu hiện nay là các cơ sở GDĐH chuyển dịch dần từ mô hình Nhà nước kiểm soát sang mô hình Nhà nước giám sát, đồng nghĩa với đầu tư công cho các cơ sở GDĐH có xu hướng giảm, trong khi sự tham gia của khu vực tư nhân vào GDĐH có xu hướng tăng. Tự chủ đại học thể hiện trên 3 phương diện cơ bản: tự chủ trong học thuật, tự chủ về tổ chức và quản lý và tự chủ về tài chính.
Tự chủ tài chính là sự chủ động về việc đảm bảo các nguồn lực liên quan đến công tác tài chính phục vụ cho các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, trách nhiệm xã hội của nhà trường. Thực hiện tự chủ tài chính đòi hỏi các trường được tự quyết định và chủ động trong hoạt động tìm kiếm,khai thác các nguồn tài chính; cách thức sử dụng các nguồn tài chính – tài sản hiện có; thực hiện cân đối thu – chi các nguồn tài chính nhằm đảm bảo tính minh bạch của toàn bộ hệ thống tài chính, bảo đảm hoạt động tài chính trong đơn vị tuân thủ đúng pháp luật, không để xảy ra tình trạng đặc quyền đặc lợi cũng như các vấn đề tiêu cực khác.
            Để tăng cường nguồn lực tài chính của Nhà trường hiện nay, hướng đến việc tự chủ tài chính trong hai năm tới, Nhà trường cần nghiên cứu và áp dụng, vận hành một mô hình đại học thích hợp.
3. Thực trạng về tài chính của các cơ sở GDĐH thí điểm tự chủ tại Việt Nam
Tính đến tháng 10/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động tự chủ giai đoạn 2015-2017 theo Nghị quyết 77/NQ-CP cho 23 cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc các bộ, ngành trung ương, trong đó 12 trường có thời gian tự chủ trên 2 năm, 3 trường có thời gian tự chủ từ 1-2 năm, 5 trường có thời gian tự chủ dưới 1 năm và 4 trường mới được giao quyết định tự chủ từ tháng 7/2017.
Kết quả thực hiện tự chủ tài chính của các trường cho thấy, phần lớn các trường đã đảm bảo tương đối tốt toàn bộ hoạt động chi thường xuyên, đồng thời thực hiện trách nhiệm xã hội đối với người học thông qua việc miễn giảm học phí cho các đối tượng chính sách, trích học bổng khuyến khích theo quy định và có chênh lệch thu lớn hơn chi, thu nhập bình quân của người lao động tăng lên so với giai đoạn trước.
3.1. Về nguồn thu
 Tổng nguồn thu các trường có xu hướng tăng lên qua các năm, tuy nhiên cơ cấu nguồn thu chưa có sự thay đổi nhiều giữa giai đoạn trước và sau khi thực hiện tự chủ. Thu sự nghiệp (chủ yếu là thu từ học phí và lệ phí) vẫn chiếm tỷ trọng lớn (trên 70%) và còn phụ thuộc nhiều vào quy mô đào tạo và mức tăng học phí.
Số liệu của 2 năm tài chính gồm giữa giai đoạn trước tự chủ (năm 2013-2014) và sau tự chủ (năm 2015-2016) của 10 trường tự chủ trên 2 năm (10 trường bao gồm: Học viện Nông nghiệp, trường ĐH Hà Nội, trường ĐH Tài chính – Marketing, trường ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh, trường ĐH Tôn Đức Thắng, trường ĐH Kinh tế quốc dân, trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh và trường ĐH Điện lực) với các khoản thu của các trường bao gồm thu sự nghiệp, ngân sách cấp và thu dịch vụ.Cụ thể:
 
Hình 1: Biểu đồ so sánh tổng thu của các trường trước và sau khi tự chủ.
Nhìn biểu đồ trên ta thấy, 10 trường thực hiện tự chủ thì tổng thu giai đoạn thí điểm tự chủ năm 2015-2016 là 7.765 tỷ đồng (không tính đầu tư xây dựng cơ bản) so với giai đoạn trước khi tự chủ năm 2013-2014 là 6.660 tỷ đồng tăng 16,6%.Trong đó:
+ Thu từ NSNN cấp chi thường xuyên, không thường xuyên giảm 16,51%;
+ Thu hoạt động sự nghiệp từ thu học phí, lệ phí, thu sự nghiệp khác tăng 23,47%;
+ Thu hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ (liên kết đào tạo với nước ngoài, đào tạo ngắn hạn, các hoạt động tư vấn, nghiên cứu khoa học, dịch vụ hỗ trợ đào tạo và dịch vụ khác) giảm 0,17%.
Thu từ dịch vụ, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp đồng tư vấn, vẫn còn chiếm tỷ trọng nhỏ và có xu hướng giảm trong cơ cấu nguồn thu. Nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) cấp cho các trường chủ yếu là nguồn kinh phí cho các dự án đang triển khai từ trước khi tự chủ, hỗ trợ miễn, giảm học phí đối với sinh viên thuộc đối tượng chính sách.
Như vậy, nguồn thu chủ yếu của các trường phụ thuộc vào quy mô đào tạo và mức thu học phí, tuy nhiên nguồn thu này có yếu tố không bền vững. Thực tế, quy mô tuyển sinh của các trường có xu hướng giảm xuống sau khi tự chủ. Có tới 5/11 trường tự chủ giảm quy mô sinh viên so với giai đoạn trước tự chủ, trong đó giảm nhiều nhất là Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Tài chính Marketing và Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu là do:
(i) Sự thay đổi nhu cầu lao động xã hội và thay đổi nhận thức về việc học tập của người dân;
(ii) Người học có nhiều khả năng lựa chọn trường học;
(iii) Học phí của các trường tự chủ có sự khác biệt và cao hơn so với mặt bằng chung khiến người học cân nhắc nhiều hơn khi chọn trường;
3.2. Về nguồn chi
Thực hiện tự chủ đã tạo điều kiện cho các trường chủ động trong quản lý, sử dụng các nguồn tài chính để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học trên cơ sở chấp hành quy chế thu - chi nội bộ của nhà trường và các quy định của Nhà nước.
Hình 2: Cơ cấu chi của các trường trước và sau tự chủ
Sau khi thực hiện tự chủ, cơ cấu chi thay đổi theo hướng tăng chi hoạt động sự nghiệp và giảm chi dịch vụ. Chi sự nghiệp tăng từ 70,6% giai đoạn trước tự chủ (2013-2014) lên 72,4% giai đoạn sau tự chủ (2015-2016) tập trung chủ yếu vào chi cho con người, chi học bổng sinh viên, chi nghiệp vụ chuyên môn, chi mua sắm. Chi từ NSNN cấp vẫn ưu tiên cho các hoạt động đầu tư, xây dựng cơ bản và chi thường xuyên.
Tốc độ tăng thu lớn hơn so với tăng chi, nguồn chênh lệch thu - chi được các trường trích lập các quỹ, đầu tư mua sắm trang thiết bị,chính sách học bổng cho sinh viên, đầu tư hoạt động tư vấn và nghiên cứu khoa học.
IV. Các nhóm giải pháp tăng nguồn lực tài chính
Cơ cấu nguồn thu tài chính của trường ĐH GTVT hiện nay chủ yếu đến từ các hoạt động đào tạo (chiếm khoảng 70%) và từ NSNN cấp (chiếm khoảng 20%) (Hình 3). Đứng trước nhiệm vụ trở thành trường đại học tự chủ vào năm 2020 theo lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, về mặt vĩ mô nhà trường có thể xem xét 04 nhóm giải pháp tăng nguồn thu tài chính như sau:
Hình 3: Cơ cấu nguồn thu của trường ĐH GTVT trong những năm học qua
4.1. Tăng nguồn thu từ hoạt động đào tạo
- Theo nguyên tắc chiến lược “Đại dương xanh”, Nhà trường cần định hình những phân khúc khách hàng (người học) mới mà Nhà trường cần hướng đến; phân tích những người có nhu cầu học tập tại trường thông qua các tiêu chí cụ thể về lứa tuổi, nhu cầu, sở thích học tập, khả năng chi trả; dần mở rộng, thay vì chỉ chú trọng thu hút các đối tượng là học sinh cấp 3 sắp tốt nghiệp, học sinh đến từ các tỉnh, sang phân khúc là đối tượng học sinh thành phố, người trưởng thành đã đi làm, có khả năng chi trả, có nhu cầu về việc bổ sung/nâng cao kiến thức, cấp chứng chỉ/chứng nhận hoàn thành.
- Đẩy mạnh phát triển các hoạt động đào tạo liên kết và chất lượng cao, không những tạo thêm nguồn thu đáng kể cho nhà trường mà còn đem lại nguồn nhân lực chất lượng cho xã hội.
- Tổ chức các chương trình đào tạo theo đơn đặt hàng của các địa phương, doanh nghiệp do các đối tượng này luôn có nhu cầu đào tạo lại, đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng cho nhân viên, cán bộ quản lý. Nhà trường cần tích cực, chủ động hơn nữa trong việc tìm kiếm các đơn đặt hàng của loại hình này, có cơ chế trả % hoa hồng theo hợp đồng cho các tổ chức, cá nhân tìm kiếm và ký kết được đơn đặt hàng để khuyến khích và nâng cao tinh thần cống hiến của người lao động vì sự phát triển chung.
- Tiên phong, chủ động mở ngành và phát triển các chương trình đào tạo mới theo nhu cầu xã hội trên nguyên tắc tích hợp, liên ngành, xuyên ngành; phát triển đào tạo các khóa học ngắn hạn.
- Tổ chức các khoá đào tạo từ xa, chương trình e-learning, đáp ứng nhu cầu và thu hút người học từ khắp mọi nơi trên cả nước, cũng như một số nước láng giềng trong khu vực, ví dụ như Lào, v.v…
- Xây dựng các chương trình đào tạo online miễn phí thu hút người học. Đây vừa là kênh truyền thông quảng bá thương hiệu, vừa đáp ứng chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoạt động vì cộng đồng xây dựng xã hội học tập. Bên cạnh đó, nó cũng có thể trở thành nguồn thu xuất phát từ nhu cầu quảng cáo của các doanh nghiệp.
4.2. Tăng nguồn thu từ hoạt động KHCN
- Phát triển các doanh nghiệp vệ tinh hàn lâm (spin-off) nhằm thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học: Công ty công nghệ spin-off được hiểu là các công ty công nghệ triển khai các kết quả nghiên cứu ứng dụng của các nhà khoa học trong nhà trường và được quản lý độc lập. Công ty này phát triển và sản xuất sản phẩm từ công nghệ được phát triển bởi nhà nghiên cứu và bán sản phẩm ra thị trường thông qua các kênh phân phối thích hợp. Hoặc ở quy mô thấp hơn, công ty spin-off có thể là một kênh trung gian để tiếp tục phát triển công nghệ nhằm chuyển giao tới các doanh nghiệp sản xuất lớn hơn. Đây là giải pháp thích hợp cho phép nhà phát minh vừa giữ được tài sản trí tuệ, vừa thu được lợi nhuận từ kinh tế đồng thời nhà trường cũng được hưởng lợi ích lâu dài.
- Chủ động nghiên cứu, hợp tác với các tổ chức/doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp nhận và thực hiện các dự án lớn, trọng điểm, giải quyết những vấn đề nóng bỏng của đất nước, các tỉnh thành ví dụ như giao thông thông minh, thành phố thông minh, v.v...
- Tích cực, chủ động đăng ký tham gia các nhiệm vụ khoa học như: biên soạn quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn; thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, địa phương, nhà nước, quốc tế, v.v….
4.3. Tăng nguồn thu từ hoạt động dịch vụ
- Ngoài nguồn thu từ dịch vụ gửi xe, ký túc xá, và các dịch vụ phục vụ người học khác hiện nay, với vị trí địa lý tương đối đẹp và thuận lợi của cơ sở chính và ký túc xá ở Hà Nội, nhà trường có thể tạo điều kiện cho các trung tâm hoặc viên chức, giảng viên, sinh viên thực hiện các dự án khởi nghiệp, đa dạng hóa thêm các hoạt động dịch vụ như:
+ Phát triển dịch vụ dạy ngoại ngữ cho sinh viên trong nhà trường học và thi đạt chứng nhận nội bộ; học sinh các cấp, sinh viên các trường khác sinh hoạt xung quanh khu vực trường học các chương trình ngoại ngữ theo nhu cầu;
+ Bán phụ tùng, rửa xe máy, oto ngay cạnh trạm đăng kiểm oto trong khuôn viên nhà trường, v.v.
- Mở rộng và chuyên môn hoá hoạt động tư vấn du học. Nhu cầu du học của xã hội trong những năm gần đây có xu hướng tăng mạnh, các hoạt động tư vấn du học rất phát triển. Tận dụng mối quan hệ hợp tác với nhiều trường ĐH trên thế giới, nhà trường cần chú trọng chuyên môn hoá các hoạt động tư vấn du học dài hạn, ngắn hạn (bao gồm các khoá học hè) cho mọi đối tượng có nhu cầu.
4.4. Tăng nguồn thu từ xã hội
- Hình thành quỹ hiến tặng: kêu gọi tài trợ, viện trợ, từ các cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài (dưới hình thức tài trợ, cấp học bổng hoặc đóng góp của cựu sinh viên);
- Chủ động mở rộng kết nối, hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp đã và có nhu cầu tuyển dụng sinh viên của nhà trường;
- Tăng nguồn thu từ hoạt động vay thương mại hoặc vay từ các nguồn tín dụng ưu đãi của Nhà nước để phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất, v.v. của nhà trường.
Cũng cần lưu ý rằng các biện pháp giảm áp lực tài chính cho một trường tự chủ không chỉ nằm ở chỗ tìm ra các giải pháp tăng nguồn thu mà còn bởi sự tối ưu hóa các khoản chi. Việc phân bổ các khoản chi cho các đơn vị trong nhà trường cần được tính toán dựa trên các đánh giá định lượng, theo một số chỉ tiêu quan trọng.
5. Phát triển trường đại học quản trị theo mô hình doanh nghiệp
            Một yếu tố quan trọng đối với các trường đại học đổi mới, sáng tạo hiện nay là phương thức quản lý, quản trị của nhà trường phải thích ứng với những nhu cầu đa dạng. Nhà trường cần phải tạo ra hệ sinh thái mà trong đó, mối quan hệ giữa nhà nước – doanh nghiệp – nhà trường có mối quan hệ khăng khít, hỗ trợ nhau vì sự phát triển chung. Để làm được như vậy, nhà trường cũng cần hướng đến áp dụng mô hình quản trị giống như doanh nghiệp nhằm chủ động trong việc tìm kiếm, tiếp cận thị trường và vốn hoá tri thức.
Với sự phát triển của hệ thống giáo dục và học liệu mở, đi kèm với nó là nền tảng công nghệ tiên tiến đã khiến các cơ sở giáo dục đại học truyền thống, lâu đời mất dần vị thế độc quyền của mình về nắm giữ và truyền thụ tri thức. Toàn cầu hóa và số hóa cũng là những động lực thúc đẩy quá trình chia sẻ kinh nghiệm và tri thức ẩn trong cộng đồng, khiến các trường đại học không còn là trung tâm trang bị kỹ năng cần thiết để cá nhân gia nhập thị trường lao động. Các trường đại học do đó đứng trước sức ép phải hội nhập mạnh mẽ vào các dòng chảy trao đổi tri thức, chuyển giao công nghệ để không tự cô lập chính mình. Bên cạnh đó, hoạt động đào tạo và NCKH tại các trường đại học đang đối mặt với những đối thủ cạnh tranh mới. Nhiều tập đoàn kinh tế có tiềm lực công nghệ, con người và nguồn tài chính đang đi đầu trong cuộc đua biến tri thức thành sản phẩm phục vụ cuộc sống. Bản thân họ có thể chủ động thành lập các cơ sở nghiên cứu và giáo dục bậc cao, trước hết là để phục vụ nhu cầu nhân lực cho chính mình, ví dụ như Tập đoàn FPT đã thành lập trường đại học FPT và Viện Công nghệ FPT. Tương tự với Tập đoàn Tân Tạo (Đại học Tân Tạo), Tập đoàn Dầu khí (Đại học Dầu khí), Tập đoàn Vingroup (Đại học VinUni). Ranh giới về tri thức và khả năng sáng tạo giữa khu vực đại học và công nghiệp ngày càng thu hẹp. Đại học ngày càng phải gần gũi với doanh nghiệp để tận dụng các nguồn lực, cũng như đẩy nhanh ứng dụng các giá trị tri thức mình tạo ra nhằm giữ gìn và nâng cao vị thế.
Như vậy mục tiêu gắn kết sứ mệnh của trường đại học với phát triển kinh tế xã hội đất nước, đi kèm sức ép cạnh tranh, đã tạo nên động lực thúc đẩy các trường đại học đổi mới mô hình hoạt động. Theo tìm hiểu của GS.TS. Trần Thọ Đạt, trường đại học theo mô hình doanh nghiệp có một số đặc điểm sau [4]:
- Chủ động và tích cực vốn hóa tài sản tri thức, dẹp bỏ ranh giới và thúc đẩy dòng chảy tri thức giữa mình và các tổ chức khác, cụ thể là giới doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
- Có tư duy cởi mở về định hướng doanh nghiệp, theo đó, định hướng doanh nghiệp không đơn thuần chỉ là tạo ra một hoạt động kinh doanh.
- Có một môi trường tích cực thúc đẩy phát triển các cơ hội, tư duy cũng như hành vi hướng tới tạo ra lợi ích kinh tế.
- Quản lý thành công mối quan hệ phụ thuộc qua lại với giới doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, trong khi vẫn đảm bảo tính độc lập của mình.
- Lãnh đạo nhà trường có quyết tâm mạnh mẽ hướng tới phát triển các năng lực khởi nghiệp trong toàn bộ sinh viên và giảng viên.
Điểm quan trọng cần nhấn mạnh ở đây là trường đại học theo mô hình này không theo đuổi mục tiêu kinh tế, mà mục tiêu phát triển kinh tế được tích hợp cùng với mục tiêu phát triển tri thức khoa học, hướng tới tạo ra một giá trị cộng hưởng thiết thực và hiệu quả hơn của nhà trường cho xã hội.
6. Kết luận
Trong bối cảnh xã hội đổi mới, cạnh tranh giữa các cơ sở GDĐH ngày càng gay gắt, yêu cầu tự chủ đại học đặt ra cho trường ĐH GTVT nhiều nhiệm vụ cấp bách. Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của tập thể lãnh đạo Nhà trường, cùng sự nỗ lực cố gắng của tất cả các đơn vị, cán bộ viên chức, tin tưởng rằng chúng ta sẽ sớm tìm ra mô hình và các giải pháp hiệu quả, bước đầu giúp nhà trường đạt được tự chủ tài chính, tiến tới năm 2020 trở thành trường đại học tự chủ, phát triển vững mạnh.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Dự thảo rà soát, điều chỉnh chiến lược phát triển trường đại học Giao thông vận tải giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2017), Báo cáo kết quả đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở GDĐH công lập giai đoạn 2015-2017.
3. TS. Đồng Thế Hiển, Đổi mới cơ chế tự chủ giáo dục đại học công lập giai đoạn 2015-2017: Kết quả và kiến nghị chính sách. http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/doi-moi-co-che-tu-chu-giao-duc-dai-hoc-cong-lap-giai-doan-20152017-ket-qua-va-kien-nghi-chinh-sach-130355.html.
4. GS.TS Trần Thọ Đạt, TS. Doãn Hoàng Minh - trường ĐH Kinh tế quốc dân (2016), Đại học định hướng doanh nghiệp: Không thay đổi, trường đại học sẽ mất chỗ đứng.
5. Henry Etzkowitz (2015), University Technology Transfer: The Globalization Of Academic Innovation.