Hợp tác quốc tế và nghiên cứu phát triển: những hoạt động nổi bật trong năm 2020

Năm 2020 là một năm đầy khó khăn và thách thức đối với các cơ sở giáo dục Việt Nam khi phải đứng trước những tác động của đại dich Covid 19. Cùng với các hoạt động động khác của Nhà trường, hoạt động hợp tác quốc tế và nghiên cứu phát triển của Trường Đại học GTVT đã có những thay đổi để thích ứng với bối cảnh mới. Các hoạt động được triển khai trên các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật nhưng dưới nhiều hình thức khác nhau và thu được những kết quả đáng khích lệ.

 

I. Hoạt động hợp tác quốc tế

Tiếp tục triển khai và thiết lập mới chương trình hợp tác đào tạo quốc tế

Dựa trên những thành quả đã đạt được, Nhà trường tiếp tục triển khai các chương trình hợp tác đào tạo quốc tế bậc đại học như: Chương trình tiên tiến Kỹ thuật xây dựng Công trình giao thông hợp tác với Trường Đại học Leeds (Vương quốc Anh); Chương trình liên kết đào tạo ngành Quản lý xây dựng hợp tác với Trường Đại học Bedfordshire (Vương quốc Anh); Chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Kỹ thuật hệ thống đường sắt hợp tác với Trường Đại học Tổng hợp kỹ thuật Dresden (CHLB Đức); Chương trình liên kết đào tạo kỹ sư trình độ cao phối hợp giữa Nhà trường và doanh nghiệp trong vòng 01 năm theo mô hình hợp tác giữa ba bên là Trường ĐHGTVT, Công ty Nissan Automotie Technology Việt Nam và Công ty Pasona Tech Việt Nam; Phối hợp với tổ chức HuReDee (Nhật Bản) triển khai khoá học thứ hai đào tạo tiếng Nhật và kỹ năng làm việc trong môi trường Nhật Bản cho sinh viên năm cuối của Khoa Công trình, Kỹ thuật xây dựng và Đào tạo quốc tế. Khoá học năm nay tuyển chọn được 30 sinh viên xuất sắc có cơ hội làm việc tại Nhật Bản theo diện visa kỹ sư sau khi sinh viên tốt nghiệp chuyên môn và hoàn thành khóa học.

Thông qua thỏa thuận khung đã ký năm 2018, tháng 05/2020 Nhà trường tổ chức tuyển sinh chương trình Cử nhân liên kết quốc tế ngành Kinh doanh quốc tế hợp tác với Trường Đại học Quản trị Normandie (CH Pháp) với tổng thời gian đào tạo là 04 năm, trong đó 03 năm đầu học ở Việt Nam, năm cuối học tại trường đối tác.   

 

Khóa học tiếng Nhật và kỹ năng làm việc trong môi trường Nhật Bản

Tổ chức thành công 5 hội thảo quốc tế 

Các hội nghị, hội thảo quốc tế trong năm 2020 do Nhà trường tổ chức kết hợp cả hình thức trao đổi trực tiếp và trực tuyến thu hút được nhiều nhà khoa học, chuyên gia, học giả hàng đầu ở trong và ngoài nước tham dự, nổi bật nhất có thể kể đến Hội nghị khoa học quốc tế về phát triển bền vững trong kỹ thuật xây dựng lần thứ 3 - ICSCE 2020 diễn ra tại Hà Nội; Hội thảo quốc tế về Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực giao thông vận tải AITC2020 diễn ra ở Phân hiệu Trường ĐHGTVT tại Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Hội nghị khoa học quốc tế về phát triển bền vững trong kỹ thuật xây dựng lần thứ 3 – ICSCE 2020 diễn ra tại Hà Nội

Hội thảo quốc tế về Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực giao thông vận tải AITC2020 diễn ra ở Phân hiệu Trường ĐHGTVT tại TP. Hồ Chí Minh

 

Tìm kiếm và tiếp nhận học bổng, thiết bị hỗ trợ đào tạo từ các doanh nghiệp

Các doanh nghiệp là đối tác truyền thống tiếp tục tài trợ học bổng học tập và nghiên cứu khoa học cho sinh viên của Nhà trường trong giai đoạn mới, điển hình như quỹ học bổng của Công ty TNHH Nipoon Steel Vietnam sinh viên các lớp Xây dựng CTGT Việt - Nhật và các lớp thuộc khối xây dựng công trình giao thông của Khoa Đào tạo Quốc tế trong 03 năm kể từ năm học 2019-2020 với tổng giá trị học bổng là 138.000.000 đồng; Công ty Kawakin Core-tech Vietnam với tổng giá trị học bổng là 66.000.000 đồng/năm học, Quỹ Kumho Asiana (Hàn Quốc) với tổng giá trị học bổng là 86.000.000 đồng/năm học dành cho sinh viên các Khoa Công trình, Cơ khí, Vận tải Kinh tế, Công nghệ thông tin, Điện-Điện tử.

Nhà trường ký kết thỏa thuận với Công ty Hữu hạn Sika Việt Nam về việc hợp tác cùng phát triển dự án “Đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng trong xây dựng và công nghiệp tại Việt Nam” và dành 10 suất học bổng cho sinh viên có thành tích học tập xuất sắc của Khoa Kỹ thuật xây dựng năm học 2019-2020.

TGĐ công ty Nippon Steel, Ngài Arai Taisuke và Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Long

ký Biên bản tài trợ cho giáo dục

 

Công ty Kawakin Core-tech VN trao học bổng cho sinh viên

Công ty LD TNHH Hino Motors Việt Nam trao tặng Nhà trường 01 động cơ Hino J08E WE làm mô hình phục vụ đào tạo và nghiên cứu. Đây là lần thứ hai Nhà trường tiếp nhận quà tặng ý nghĩa này sau khi sử dụng hiệu quả động cơ do Công ty trao tặng năm 2008 làm giáo cụ trực quan trong đào tạo sinh viên ngành kỹ thuật ô tô.

 

Thay đổi trong tổ chức chương trình ngắn hạn trao đổi sinh viên quốc tế

Trong những năm gần đây, sinh viên của Nhà trường được cử sang thực tập và làm đồ án tốt nghiệp tại trường đối tác ở nước ngoài theo chương trình trao đổi sinh viên giữa hai trường. Đây là một trong nhiều hoạt động trao đổi sinh viên mà Trường ĐHGTVT triển khai với các đối tác uy tín trên thế giới. Tháng 06/2020, hai sinh viên Khoa Cơ khí của Nhà trường bảo vệ đồ án tốt nghiệp tại Trường Đại học Bách khoa Grenoble INP (CH Pháp) theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của giảng viên cả hai trường với kết quả đạt điểm tuyệt đối 10/10.

Toàn cảnh Hội đồng chấm đồ án tốt nghiệp tại Trường ĐHGTVT

Hội đồng chấm ĐATN của sinh viên tại Đại học Bách khoa Grenoble INP-CH Pháp

Đối với sinh viên chiều đi, trong năm 2020 nhiều sinh viên không thể tham gia chương trình trao đổi đã đăng ký trước đó do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Số sinh viên tham gia các chương trình trao đổi ở các trường đại học nước ngoài bằng các nguồn học bổng khác nhau từ trước khi dịch Covid 19 bùng phát được tư vấn và tiếp tục ở lại hoàn thành chương trình học bao gồm:  02 sinh viên đi Đài Loan theo học bổng của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc lập Cao Hùng; 01 sinh viên đi Rumani bằng học bổng Erasmus+; 01 sinh viên đi trao đổi tại Đức bằng học bổng của Trường Đại học Khoa học ứng dụng Biberach, 02 sinh viên thực tập tốt nghiệp tại Trường Đại học Bách khoa Grenoble INP (CH Pháp).

Đối với chiều đến, mặc dù có 30 sinh viên đã hoàn thiện thủ tục và được phê duyệt để tham gia các chương trình trao đổi ngắn hạn tại Trường. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid 19, chỉ có 18 sinh viên tham gia và hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, 02 sinh viên phải kết thúc giữa khóa học để trở về nước sớm, 10 sinh viên hủy không tham gia chương trình.

Ổn định tình hình học tập cho các lưu học sinh quốc tế học dài hạn tại trường

Nhà trường tiếp nhận mới 18 lưu học sinh Lào theo học chương trình đào tạo chính quy tập trung, nâng tổng số lưu học sinh Lào và Campuchia đang học tại trường lên 86 SV.

Trong suốt đợt bùng phát Covid-19, các đơn vị chức năng của Nhà trường đã thường xuyên liên lạc, tư vấn cho các lưu học sinh ổn định cuộc sống, tập trung học tập hoặc hỗ trợ các thủ tục để sinh viên trở về nước theo nguyện vọng và học tập bằng hình thức online.

II. Hoạt động nghiên cứu phát triển

Trong năm 2020, với mục tiêu xác lập được những nền tảng cơ bản vững chắc cho công tác nghiên cứu phát triển, Trường ĐHGTVT đã đặt trọng tâm triển khai hoạt động nghiên cứu phát triển của trường trên ba phương diện chính: hoàn thiện chiến lược và các văn bản quy định tổ chức quản lý của Nhà trường; tiếp tục thúc đẩy hoạt động hợp tác giữa Nhà trường và các tổ chức xã hội trong các hoạt động đào tạo, khoa học công nghệ thông qua các dự án, chế tạo sản phẩm thiết thực có ích cho cho xã hội; tiếp tục khẳng định vị trí của Nhà trường trên bảng xếp hạng đại học có uy tín.

Hoàn thiện chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030

Năm 2020, Trường ĐHGTVT đã hoàn thiện chiến lược phát triển Nhà trường giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo bản chiến lược này, Nhà trường đã xác định tám nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và xây dựng các chương trình hành động tương ứng để hiện thực hóa chiến lược phát triển Nhà trường trên tất cả các mặt công tác.

Căn cứ yêu cầu kiểm định chất lượng giáo dục đại học, Trường ĐHGTVT đã xây dựng quy chế “Quản lý hoạt động hợp tác quốc tế” và quy định về “Hoạt động kết nối và phục vụ cộng đồng” nhằm thống nhất việc quản lý, tổ chức hoạt động hợp tác quốc tế và thực hiện trách nhiệm xã hội.

Hợp tác nghiên cứu đi vào thực chất, làm phong phú nguồn lực đầu tư và tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm công nghệ của Trường ĐHGTVT

Bên cạnh việc hoàn thiện các quy định về quản lý và vận hành, trong năm 2020 vừa qua, hợp tác giữa Trường ĐHGTVT và các tổ chức kinh tế - xã hội ở trong và ngoài nước đã đi vào chiều sâu và đạt những kết quả cụ thể với nhiều lợi ích thiết thực. Cụ thể:

Nhà trường triển khai hai nhiệm vụ cấp Nhà nước là biên soạn các mục từ Bách khoa toàn thư Việt Nam – Quyển Giao thông, vận tải do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì và các mục chí thuộc bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam – Tập Giao thông vận tải do Đại học Quốc gia Hà Nội phụ trách. Đây là hai nhiệm vụ đặc biệt theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước “Khoa học, giáo dục là quốc sách hàng đầu, văn hóa là nền tảng” đóng góp vào sự phát triển của đất nước, được lãnh đạo Chính phủ rất quan tâm.

Từ biên bản hợp tác ba bên giữa Trường ĐHGTVT, Sở KHCN Hà Nội và Sở GTVT Hà Nội kí kết năm 2018, các nhà khoa học của Trường đã chủ động đề xuất và đang thực hiện 05 đề tài khoa học công nghệ ở thành phố Hà Nội. Tháng 09/2020, nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp thành phố “Xây dựng cơ sở dữ liệu số quản lý các cầu trên địa bàn thành phố Hà Nội” do các giảng viên Khoa Công trình, Khoa Công nghệ thông tin cùng với cán bộ Sở GTVT Hà Nội thực hiện đã được nghiệm thu, đạt kết quả tốt và bắt đầu được đưa vào ứng dụng trong công tác quản lý các công trình cầu của TP. Hà Nội. Một số nhiệm vụ khoa học công nghệ khác như “Nghiên cứu giải pháp thấm và lưu giữ nước mặt cho đô thị trung tâm Hà Nội theo hướng phát triển bền vững”, “Thiết kế và chế tạo khe co giãn Asphalt đàn hồi cho các cầu thuộc địa bàn TP. Hà Nội”, “Nghiên cứu và đề xuất bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP. Hà Nội” và “Đánh giá tác động dẫn đến tính trạng ùn tắc giao thông tại TP. Hà Nội và các giải pháp khắc phục” đã được triển khai bài bản, đúng kế hoạch, góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn phức tạp của thủ đô Hà Nội. Việc các khoa trong Nhà trường phối hợp triển khai thực hiện đề tài, hứa hẹn các bước tiếp theo trong việc phát huy năng lực liên ngành cùng giải quyết những vấn đề thực tiễn.

Hội thảo nghiệm thu đề tài nghiên cứu cấp TP Hà Nội “Xây dựng cơ sở dữ liệu số quản lý các cầu trên địa bàn thành phố Hà Nội” tại Sở KHCN TP Hà Nội

 

Với các đối tác truyền thống khác như Bộ GTVT, Tổ chức Giáo dục đại học Pháp ngữ (AUF) và các đối tác từ Hàn Quốc, nhà trường tiếp tục có những hợp tác nghiên cứu đi vào chiều sâu. Theo đó, tiếp theo thành công của hội thảo “Chiến lược và chính sách phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải – Kinh nghiệm của Hàn Quốc và khả năng áp dụng tại Việt Nam” và “Diễn đàn giao thông đường bộ Việt Nam” tổ chức năm 2019, năm 2020 Trường Đại học Giao thông vận tải đã phối hợp với chuyên gia, nhà khoa học Hàn Quốc xây dựng các tài liệu tham mưu về cơ chế, chính sách phát triển giao thông vận tải cho Việt Nam. Tài liệu “10 Chính sách Giao thông Thiết yếu cho Việt Nam” là sản phẩm thành tựu phối hợp giữa các nhà khoa học của Trường với Viện Công nghệ giao thông Hàn Quốc, được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Việt Nam - Nguyễn Văn Thể đánh giá cao và nghiên cứu, áp dụng ở các cơ quan của Bộ. Bên cạnh đó, các nhà khoa học của Trường tiếp tục tham gia tư vấn chính sách, hoàn thiện tiêu chuẩn và trực tiếp tham gia triển khai nhiều dự án trọng điểm của ngành như dự án sửa chữa cầu Thăng Long do Tổng cục Đường bộ Việt Nam – Bộ GTVT làm chủ đầu tư, góp phần củng cố uy tín, thương hiệu về khoa học kĩ thuật và trách nhiệm phục vụ cộng đồng của Trường Đại học Giao thông vận tải.

 

Thư cảm ơn của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể về tài liệu “10 Chính sách giao thông thiết yếu cho Việt Nam” do các nhà khoa học của trường phối hợp với Viện Giao thông Hàn Quốc thực hiện

 

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ và Tổng cục trường TCĐBVN Nguyễn Văn Huyện kiểm tra công tác nghiên cứu, thí nghiệm chuẩn bị dự án sửa chữa cầu Thăng Long tại Trường ĐHGTVT

Với tổ chức AUF, Trường ĐHGTVT đã phối hợp hoàn thành việc đánh giá cuối kỳ dự án “Tái cấu trúc hoạt động nghiên cứu và các dự án nghiên cứu trong mối tương quan với quy trình chất lượng” do Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ xây dựng (RACE) của Nhà trường chủ trì thực hiện. Thành công của dự án được tổ chức AUF ngữ đánh giá cao, cho thấy tính chủ động của các giảng viên, nhà khoa học thuộc Trường trong việc tổ chức, phối hợp nghiên cứu với đối tác nước ngoài. Ngoài ra, các dự án khác từ nguồn tài trợ của Châu Âu như: “Đổi mới quản trị đại học tại Đông Nam Á – PURSEA”, “Phát triển đào tạo trực tuyến áp dụng cho chương trình Pháp ngữ về Xây dựng”, “Phát triển các chương trình đào tạo giảng viên theo phương pháp sáng tạo cho các trường Đại học ở Châu Á - Erasmus+ FRACTION”,... đều đang được triển khai nghiêm túc, đúng tiến độ và yêu cầu chất lượng.

 

 

Đại biểu tham gia đánh giá cuối kỳ Dự án Tái cấu trúc hoạt động nghiên cứu và các dự án nghiên cứu trong mối tương quan với quy trình chất lượng do AUF tài trợ

Các đại biểu của nhà trường chụp hình lưu niệm với đại diện các đơn vị

điều phối dự án PURSEA là tổ chức AUF và Trường Đại học Hà Nội

Ngoài việc triển khai thành công các dự án hợp tác với các đối tác truyền thống, năm 2020 Nhà trường tiếp tục chủ động xây dựng và triển khai các hoạt động hợp tác với những đối tác mới, góp phần tìm kiếm nguồn lực để hoàn thiện và tìm hướng ra cho các sản phẩm khoa học công nghệ và đào tạo của Trường. Điển hình trong các hoạt động này là việc kí kết biên bản ghi nhớ triển khai hoạt động “Đánh giá công nghệ dầm cánh rộng áp dụng cho các dự án hạ tầng giao thông ở Việt Nam” thuộc chương trình viện trợ không hoàn lại của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia dành cho Chính phủ Việt Nam, dự kiến tổ chức thực hiện dự án bắt đầu từ Quý II năm 2021; kí kết hợp tác nghiên cứu giữa Khoa Kỹ thuật Xây dựng với Công ty Sika hữu hạn Việt Nam và Tập đoàn GFS về nghiên cứu ứng dụng các công nghệ vật liệu mới cho ngành xây dựng. Các phối hợp bước đầu này hứa hẹn sẽ mở ra những cơ hội hợp tác, nghiên cứu cho Trường ĐHGTVT vào những năm tiếp theo.

Ký kết Biên bản ghi nhớ về việc triển khai hoạt động “Đánh giá công nghệ dầm cánh rộng áp dụng cho các dự án hạ tầng giao thông ở Việt Nam”

 

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng trưng bày các sản phẩm Khoa học công nghệ phối hợp giữa Trường ĐHGTVT và Tập đoàn GFS tại Đại hội đại biểu toàn quốc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam lần thứ VIII (Nhiệm kỳ 2020-2025)

 

Khẳng định vị trí của Nhà trường trên bảng xếp hạng uy tín

Tháng 08/2020, Đại học Quốc gia Hà Nội đã phối hợp với Mạng lưới các Trường Đại học khu vực Đông Nam Á (Asean University Network - AUN) tổ chức hội thảo công bố kết quả đối sánh chất lượng - UPM (University Performance Metrics) và gắn sao 30 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và Đông Nam Á. Được xây dựng với mục tiêu đối sánh chất lượng các cơ sở giáo dục đại học khu vực Đông Nam Á về khả năng đáp ứng các yêu cầu về đổi mới sáng tạo và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hệ thống UPM đã xây dựng bộ tiêu chí và tiến hành thu thập số liệu, phân tích đánh giá định lượng các trường đại học trên 8 nhóm tiêu chuẩn, 56 tiêu chí.  Kết quả cho thấy về mặt tổng thể, Trường ĐHGTVT đạt 4 trên 5 sao cho cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu.

Là trường đại học duy nhất trong lĩnh vực Giao thông vận tải của cả nước, một trong bốn trường đại học khối Kỹ thuật trên địa bàn Hà Nội chủ động tham gia bảng xếp hạng UPM năm 2020, kết quả đánh giá của UPM một lần nữa khẳng định uy tín, chất lượng của Nhà trường, đồng thời khẳng định những cố gắng và bước tiến vững chắc của Trường ĐHGTVT trong việc thực hiện tầm nhìn trở thành trường đại học đa ngành theo định hướng nghiên cứu, khẳng định vị thế hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực giao thông vận tải, có uy tín và chất lượng ngang tầm Châu Á. Đồng thời, cũng chỉ ra một số vấn đề cần tiếp tục triển khai hoàn thiện trong các mặt công tác của Nhà trường như: cần nghiên cứu, bổ sung một số ngành đào tạo liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0 đáp ứng nhu cầu thị trường; sớm xây dựng thư viện bài giảng, học liệu online phục vụ cho việc tái đào tạo, đào tạo từ xa, đào tạo theo yêu cầu doanh nghiệp và xây dựng cơ chế thúc đẩy việc tăng sở hữu trí tuệ do Nhà trường làm chủ sở hữu từ các sản phẩm khoa học công nghệ của trường.

GS.TS. Nguyễn Hữu Đức - Trưởng nhóm nghiên cứu UPM tặng hoa chúc mừng PGS.TS. Nguyễn Ngọc Long - Hiệu trưởng trường ĐHGTVT.

 

Những gợi ý thu được từ kết quả xếp hạng UPM chính là những định hướng chính mà công tác nghiên cứu phát triển của Trường ĐHGTVT cần tiếp tục thực hiện cho năm 2021 sắp tới.